TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết, FLC

A.Đ (T/H) Thứ tư, ngày 24/07/2024 06:58 AM (GMT+7)
Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; thông tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết, FLC; nam thanh niên đòi vượt qua điểm sạt lở nguy hiểm không được, còn đánh cán bộ... là những tin nóng 24 giờ gua.
Bình luận 0

Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường

Như Dân Việt dã thông tin: Ngày 23/7, nguồn tin xác nhận, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tây Ninh đang phối hợp với Công an thị xã Hòa Thành phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 3 người tử vong trên địa bàn xã Trường Đông.

3 nạn nhân được xác định là ông N.T.D (SN 1978), bà P.T.T.T (SN 1980) và bà N.T.L (SN 1969).

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 1.

Công an khám nghiệm vụ cháy trước đó. Ảnh minh họa.

Khoảng 21h45 ngày 22/7, người dân phát hiện căn nhà ở ấp Trường Phú bốc cháy dữ dội, nhiều người dân cầm bình chữa cháy xông vào dập lửa.

Tuy nhiên, do bên trong chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên việc dập lửa gặp khó khăn. Nhận tin báo, lực lượng chức năng thị xã Hòa Thành đã huy động lực lượng có mặt, dập lửa ngay sau đó.

Vụ cháy khiến 3 người tử vong, bên trong căn nhà nhiều tài sản bị lửa thiêu rụi. Xung quanh có nhiều mảnh nhựa đã cháy và có mùi xăng.

Qua khám nghiệm tử thi, công an xác định bà T. và bà L. chết có chấn thương sọ não, còn ông D. tử vong do bị bỏng.

Hiện, nguyên nhân vụ cháy đang được Công an tỉnh Tây Ninh điều tra, làm rõ.

Hai cựu kiểm toán viên đổ lỗi về báo cáo khống cho Trịnh Văn Quyết, tòa triệu tập loạt nhân chứng

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 23/7, TAND TP.Hà Nội tiến hành xét hỏi hành vi của nhóm kiểm toán trong việc ban hành báo cáo sai về Công ty Faros. Báo cáo này được nộp lên cơ quan quản lý chứng khoán, dẫn tới việc Faros được niêm yết trên sàn HOSE trái quy định và sau đó, Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 2.

Phiên tòa Trịnh Văn Quyết có gần 100.000 người được triệu tập nhưng chưa đến 200 người có mặt.

Tại toà, bị cáo Lê Văn Tuấn, cựu Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội khai, bản thân làm Giám đốc một chi nhánh, hoạt động dưới sự ủy quyền của bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh, cựu Chủ tịch, Tổng giám đốc công ty này. Hai người thỏa thuận mỗi khi Tuấn có khách hàng, sẽ được hưởng 20% giá trị hợp đồng.

Bị cáo Tuấn khẳng định không tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn 2014-2015 và giải thích có lời khai nhận tội tại giai đoạn điều tra vì "sức ép của ông Tỉnh".

"Trước khi lên làm việc với cơ quan điều tra, ông Tỉnh gặp, hỏi bị cáo trong quá trình Faros tăng vốn, em có nhận tiền hay cổ phiếu của công ty này không? Tôi trả lời không và ông Tỉnh nói sẽ có lịch lên làm việc với cơ quan điều tra. Tôi đáp, em không làm nên không ký và ông Tỉnh nói cứ yên tâm, không sao, phải nhận vì mình không làm sai; nếu làm sai đã bị đình chỉ, thu giấy phép hành nghề", bị cáo Tuấn kể lại.

Lê Văn Tuấn trình bày, lời nhận tội của anh ta tại giai đoạn điều tra là "sai lầm" bởi lúc đó gặp áp lực thần kinh và chịu sức ép của bị cáo Tỉnh; không thừa nhận đã ký báo cáo kiểm toán sẽ bị ông Tỉnh cho "dừng hoạt động kinh doanh, gây khó khăn".

Trình bày các căn cứ của mình, bị cáo Tuấn nêu giữa Kiểm toán Hà Nội và Công ty Faros có 2 hợp đồng, tổng trị giá 250 triệu đồng, không phải 100 triệu như hồ sơ vụ án. Chính bị cáo Tỉnh từng yêu cầu Tuấn đi đòi nợ số 150 triệu chênh lệch.

Căn cứ thứ 2, bị cáo Tỉnh từng đưa cho Tuấn một USB, trong chứa văn bản gồm câu hỏi của cơ quan điều tra C01 Bộ Công an kèm câu trả lời. Theo Tuấn, ông Tỉnh khi đó yêu cầu anh ta đọc và dựa vào văn bản này để trả lời khi làm việc với C01.

Tuấn khai, văn bản nói trên dài khoảng 8 – 10 trang, có một lỗi chính tả, nội dung chấp thuận toàn phần báo cáo kiểm toán, tỷ lệ tròn mẫu 100%... và đề nghị tòa án tra cứu tại C01 sẽ thấy anh ta nói đúng. Ông Tuấn sau đó đưa văn bản này cho một luật sư ở Hải Phòng để nhờ tư vấn.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 4.

Trịnh Văn Quyết đã thừa nhận mọi hành vi phạm tội.

Đối đáp lại các ý kiến trên, bị cáo Tỉnh khẳng định không gây sức ép và cho rằng "Tuấn nói không đúng". Vị này giải thích việc đưa văn bản của C01 cho Tuấn là theo yêu cầu của anh ta.

Cụ thể, khi ông Tỉnh làm việc với C01, điều tra viên cho rằng lĩnh vực kiểm toán khó hiểu nên đưa bảng hỏi, yêu cầu về trả lời rồi nộp lại. Trong khi đó, bị cáo Tuấn không có "chuyên môn sâu" về kiểm toán nên khi biết việc này đã "xin một bản" để tham khảo.

Trước việc bị cáo Tuấn thay đổi lời khai so với giai đoạn điều tra, HĐXX triệu tập thêm một số nhân chứng là người của Công ty Kiểm toán Hà Nội. Tuy nhiên, có người không nhớ do quá lâu; người khác lại khai biết Tuấn phụ trách kiểm toán cho Faros nhưng "biết không chính thức" vì chỉ nghe người khác nói lại.

Bị cáo Nguyễn Thiện Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Faros, khai quen biết bị cáo Tuấn và qua anh ta, gặp ông Lê Văn Dò, Phó giám đốc Công ty Kiểm toán Hà Nội (đang thụ án trong vụ Tân Hoàng Minh cũng vì vi phạm kiểm toán).

Ông Dò sau đó ký hợp đồng, kiểm toán cho Công ty Faros nhưng theo bị cáo Phú, doanh nghiệp này chỉ làm việc với "một đầu mối" là bị cáo Tuấn. Trong một lần kiểm toán tài sản của Faros tại FLC Sầm Sơn, chính bị cáo Tuấn liên hệ với Phú để thực hiện.

Đại diện Viện kiểm sát đang tiếp tục xét hỏi, làm rõ lời khai của bị cáo Tuấn.

Nam thanh niên đòi vượt qua điểm sạt lở nguy hiểm không được, còn đánh cán bộ

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 23/7, thông tin từ Công an huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, đơn vị đang tạm giữ một đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi "Chống người thi hành công vụ". Đối tượng đang bị tạm giữ là La Tú Đạt (SN 2001, trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong).

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 6.

La Tú Đạt tại cơ quan chức năng. Ảnh: CANA

Trước đó, vào khoảng 22h15' ngày 18/7, sau khi uống rượu với bạn ở xã Châu Thôn, LA Tú Đạt và bạn rủ nhau xuống thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong chơi.

Khi đi đến khu vực bản Na Tỳ, xã Châu Thôn, Đạt gặp tổ chốt trực ngăn không cho qua đường vì lý do đường sụt lún, sạt lở, nguy hiểm. Vì Quốc lộ 16 đoạn qua dốc Chuối sạt lở rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông nên Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An đã có công văn về việc đóng đường để đảm bảo an toàn.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 7.

La Tú Đạt đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi "Chống người thi hành công vụ". Ảnh: CANA

Tuy nhiên, Đạt không những không chấp hành hiệu lệnh mà còn chửi bới và đấm vào mặt anh Lô Văn Màu - Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Châu Thôn, thành viên tổ chốt trực.

Ngay lập tức, tổ chốt trực đã tiến hành khống chế và bàn giao đối tượng cho lực lượng công an.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 8.

Quốc lộ 16 xảy ra sụt lún nguy hiểm, để đảm bảo an toàn lực lượng chức năng đã lập chốt cấm đường. Ảnh: Q.P

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong đang tạm giữ đối tượng La Tú Đạt để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Xét xử đại án đăng kiểm: "Không thể nói tiền nhận hối lộ là tiền khắc phục hậu quả"

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 23/7, HĐXX của TAND TP.HCM bước vào phần xét hỏi với nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đại án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục Đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác.

Là người đầu tiên bước lên bục xét hỏi, bị cáo Trần Kỳ Hình khai bản thân từng là Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 đến hết tháng 7/2021. Trước HĐXX, bị cáo Hình thừa nhận việc bị VKS truy tố tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là chính xác.

"Trong thời gian làm Cục trưởng, bị cáo đã nhận số tiền hơn 7,1 tỷ là đúng không?", HĐXX hỏi. Ông Hình trả lời bị cáo nhận hối lộ là đúng, nhưng bị cáo chỉ nhận số tiền như đã khai với cơ quan điều tra là 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD. Ông Hình cho biết, mình không nhận trách nhiệm về phần trách nhiệm chung của Cục Đăng kiểm mà chỉ nhận trách nhiệm về hành vi nhận hối lộ riêng.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 9.

Bị cáo Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: Xuân Huy

"Số tiền các bị cáo tại các trung tâm đã đưa cho bị cáo thì bị cáo thấy có đúng không?", ông Hình đáp "đúng". Số tiền này ông Hình đã nhận nhiều lần chứ không phải nhận 1 lần.

Bị cáo Hình khai đã vận động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận là 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD. Bị cáo này cho biết, đã thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra, chủ động khắc phục hậu quả, có nhiều bằng khen giấy khen… Ngoài ra, bị cáo bị bệnh đại tràng và hen xuyễn sau khi bị bắt, nên xin HĐXX coi đó là tình tiết giảm nhẹ. 

Tiếp phần xét hỏi, bị cáo Đặng Việt Hà bước lên bục trả lời từng là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ 8/2021 cho đến khi vụ án bị phát hiện, thay thế cho bị cáo Trần Kỳ Hình. Ông Hà đồng tình cáo trạng của VKS truy tố.

Tuy nhiên, ông Hà phân trần việc phải chịu trách nhiệm nhận chung về số tiền hơn 40 tỷ đồng tại Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đúng. Bị cáo Hà không thừa nhận việc chỉ đạo các bị cáo về các hành vi nhận hối lộ cũng không đưa ra mức hưởng lợi cụ thể trong vụ án này. Ông Hà chỉ thừa nhận việc nhận hối lộ số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Trong vụ án này, ông Hà vừa là bị cáo cũng vừa là bị hại. Cáo trạng thể hiện, khoảng cuối năm 2022, khi biết các Trung tâm đăng kiểm ở phía Nam bị điều tra, hàng loạt người liên tục bị khởi tố, Cục trưởng Đặng Việt Hà lo sợ hành vi của mình bị phát hiện nên nhờ Lại Thái Phong (Phó Chánh văn phòng Cục Đăng kiểm Việt Nam, một trong những cấp dưới thân thiết) tìm người để tìm hiểu thông tin điều tra.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 10.

Bị cáo Đặng Việt Hà, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: Xuân Huy

Thông qua các mối quan hệ, Phong được biết Nguyễn Văn Chung có quen với công an nhiều tỉnh, thành, có thể hỏi được thông tin điều tra, nên đã giới thiệu. Ông Hà sau đó nói Phong "nhờ Chung tìm hiểu xem công an điều tra vụ án đến đâu rồi", đồng thời chỉ đạo Trần Anh Quân (Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới - VAR) đổi hơn 2,3 tỷ đồng lấy 100.000 USD đưa cho mình tại phòng làm việc.

Tiếp đó, ông Hà gọi Phong lên phòng làm việc, bảo đưa số USD trên cho Chung để "nhờ đi ngoại giao, nắm thông tin điều tra sai phạm của Hà và Cục Đăng kiểm Việt Nam" rồi báo lại. Cơ quan công tố xác định, Chung không thực hiện theo đề nghị của ông Hà mà chỉ "tìm hiểu thông tin qua báo chí", không cung cấp được thông tin như hứa hẹn và chiếm đoạt số tiền đã nhận.

Đến đầu năm 2023, ông Hà bị bắt với cáo buộc Nhận hối lộ. Cuối tháng 8/2023, cựu Cục trưởng đã có đơn tố cáo gửi Nhà tạm giữ Công an quận 12, TP.HCM về việc bị Nguyễn Văn Chung lừa 100.000 USD.

Trước câu hỏi của HĐXX về việc lấy ở đâu ra số tiền trên, ông Hà nói số tiền này do Trần Anh Quân (Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới - VAR) hối lộ mà có.

"Bị cáo đã nộp khắc phục được bao nhiêu tiền rồi?". "Ngoài số tiền 5 tỷ đồng, bị cáo đã khắc phục thêm 8,55 tỷ đồng", cựu Cục trưởng Hà đáp.

Tuy nhiên, HĐXX xác định số tiền 5 tỷ đồng (bao gồm cả 100.000 USD để đưa cho Chung) là tiền phạm tội mà có. Bị cáo Hà dùng tiền đó để chạy tội và nộp lại, nên tiền đó sẽ phải sung công quỹ, do đó không thể coi là tiền khắc phục.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 11.

Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: Xuân Huy

Theo ông Hà, tính tới nay, gia đình ông đã nộp tổng cộng 3 lần khắc phục hậu quả khoảng 5,85 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.

Hành vi phạm tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Giả mạo trong công tác", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật", "Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác", diễn ra tại các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, các chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, đến Phòng Kiểm định xe cơ giới, Phòng Tàu sông và cao nhất là Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trong đó, bị cáo Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam), nhiều bị cáo là trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm là những người có trình độ nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cao, có hiểu biết, kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác được phân công đảm nhiệm.

Các bị cáo được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn đối với phương tiện cơ giới và phương tiện thủ nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.

Bị cáo Trần Kỳ Hình phát hiện có sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm, nhưng không chấn chỉnh, xử lý mà còn nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động trung tâm đăng kiểm, nhận tiền của lãnh đạo các phòng về việc các đăng kiểm sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện, nhận tiền hối lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế với tổng số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trần Kỳ Hình lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và uy tín của Cục Đăng kiểm Việt Nam, làm giảm hiệu lực công tác quản lý Nhà nước liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa.

Khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng, không những không chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi tiêu cực, sai phạm xảy ra trong Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm, mà còn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới là các lãnh đạo phòng, trung tâm đăng kiểm phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân Hà đối với số tiền tiêu cực, hối lộ mà cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới, các trung tâm đăng kiểm nhận được cho Hà phải là cao nhất.

Bị cáo Đặng Việt Hà chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm khối V phải tính tiền nộp cho Hà căn cứ vào số lượng phương tiện vào đăng kiểm tại mỗi trung tâm. Từ chủ trương, yêu cầu, chỉ đạo của Hà, lãnh đạo phòng VAR, giám đốc các trung tâm đăng kiểm khối V đã triển khai. Do đó, Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của Phòng Kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến 30/9/2022 hơn 31,1 tỷ đồng.

"Rút ruột" hàng trăm tỷ đồng, cựu thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng lĩnh án tử hình

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 23/7, sau 2 ngày xét xử, TAND TP.Đà Nẵng đã tuyên án đối với 5 bị cáo trong vụ tham ô gần 200 tỷ đồng tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Theo đó, HĐXX TAND TP.Đà Nẵng tuyên các bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm (SN 1973, trú quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) mức án tử hình; Hoàng Quang Huy (SN 1989, trú quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) mức án tù chung thân về tội "Tham ô tài sản"; bị cáo Đoàn Quang Vinh (SN 1962, trú quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) 4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Các bị cáo Phạm Thị Huỳnh Như (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) án tù chung thân và Nguyễn Khánh Dương (SN 1997, trú quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) mức án 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Điều tra vụ 3 nam, nữ tử vong bất thường; tin mới phiên xử vụ Trịnh Văn Quyết- Ảnh 12.

Các bị cáo tại toà. Ảnh: C.N

Nội dung cáo trạng thể hiện, trong khoảng thời gian từ ngày 15/7/2020 đến ngày 10/2/2023, Lâm Thị Hồng Tâm - Thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (Trường ĐHBK Đà Nẵng), Hoàng Quang Huy - Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Kế toán trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng có trách nhiệm giúp chủ tài khoản trong công tác quản lý tài sản, tài chính của Trường ĐHBK Đà Nẵng.

Tâm và Huy đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi lấy tiền của nhà trường từ quỹ tiền mặt, từ tài khoản ngân hàng (thông qua rút séc) chiếm đoạt số tiền 186.208.596.915 đồng, sử dụng vào mục đích cá nhân.

Để che giấu hành vi chiếm đoạt, Lâm Thị Hồng Tâm và Hoàng Quang Huy hợp thức hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán.

Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng trong giai đoạn từ 1/7/2020 đến 31/12/2022 đã có hành vi ký séc chi không ghi số tiền cụ thể, không tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị, ký hợp thức các biên bản kiểm tra quỹ hàng tháng của trường vào cuối năm…, buông lỏng quản lý tài sản của nhà trường, dẫn đến Lâm Thị Hồng Tâm và Hoàng Quang Huy chiếm đoạt tiền của nhà trường, gây thất thoát tài sản của nhà nước với tổng số tiền 179.980.112.226 đồng.

Từ tháng 12/2028 đến ngày 10/2/2023, với ý định chiếm đoạt tài sản Phạm Thị Huỳnh Như đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối mở tiệm nail, đầu tư chứng khoán, nuôi tôm, buôn gỗ, thắng đánh bạc… để lừa đảo chiếm đoạt tiền của Lâm Thị Hồng Tâm với tổng số tiền 203.190.297.500 đồng. Trong đó, chuyển vào tài khoản của Nguyễn Khánh Dương là 192.797.297.500 đồng và chuyển vào tài khoản Trần Tấn Hùng là 10.363.000.000 đồng.

Từ tháng 9/2020 đến 10/2/2023, Nguyễn Khánh Dương biết Phạm Thị Huỳnh Như đưa ra các thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của Lâm Thị Hồng Tâm nhưng vẫn đồng ý thực hiện các hành vi gian dối đóng giả đối tượng tên Hùng nói chuyện với Tâm để Tâm tin tưởng chuyển tiền cho Như qua tại khoản của Dương, giúp Như chiếm đoạt của Tâm số tiền 181.493.997.300 đồng.

Về dân sự, bị cáo Đoàn Quang Vinh đã khắc phục số tiền hơn 9 tỷ đồng, Huy và Tâm đã tác động gia đình bồi thường, khắc phục số tiền 70 triệu đồng (trong đó Huy 20 triệu đồng, Tâm 50 triệu đồng).

Đại diện theo pháp luật của Trường ĐHBK Đà Nẵng yêu cầu Lâm Hồng Tâm, Hoàng Quang Huy, Đoàn Quang Vinh liên đới bồi thường số tiền 177.094.357.451 đồng theo quy định.

Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, thể hiện sự ăn năn hối cải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem