TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Thêm 1 cháu nhỏ tử vong trong vụ nổ ở Đắk Lắk; tin mới vụ "siêu lừa" Hà Thành

A.Đ (T/H) Thứ hai, ngày 26/12/2022 19:00 PM (GMT+7)
Thêm 1 cháu nhỏ tử vong trong vụ nổ ở Đắk Lắk; thông tin mới vụ "siêu lừa" Hà Thành; nghi án mâu thuẫn làm ăn, thanh niên dùng xe cuốc đập phá nhà cửa cùng tài sản của 2 gia đình... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Thêm 1 cháu nhỏ tử vong trong vụ nổ ở Đắk Lắk

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 26/12, ông Nguyễn Đại Phong - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) xác nhận đã có thêm 1 cháu nhỏ nữa là N.Đ.B (12 tuổi) tử vong liên quan đến vụ nổ pháo chế tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Trước đó, liên quan đến vụ việc trên, cháu B.G.T (11 tuổi) cũng đã tử vong.

Thêm 1 cháu nhỏ tử vong trong vụ nổ pháo tự chế tại Đắk Lắk - Ảnh 1.

Nhiều người dân hiếu kỳ tập trung trước căn nhà, nơi vụ nổ pháo tự chế xảy ra chiều 25/12.

Theo ông Nguyễn Đại Phong, cháu N.Đ.B được đưa vào bệnh viện trong tình trạng chấn thương nặng ở vùng mặt, bỏng mắt, dập phổi…Đến 20 giờ tối ngày 25/12 thì gia đình xin đưa cháu về nhà để chuẩn bị lo hậu sự.

Cũng trong ngày 25/12, cho 2 cháu nhỏ khác là N.M.T (12 tuổi) và N.Đ.B.A (9 tuổi, cùng trú trị trấn Buôn Trấp) cũng được vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu. Trong đó, cháu T. bị đa chấn thương ở vùng hàm mặt, vai, ngực, cẳng chân…; bỏng mắt. Cháu T. sau đó đã được chuyển xuống một bệnh viện tại TP.HCM để cấp cứu.

Thêm 1 cháu nhỏ tử vong trong vụ nổ pháo tự chế tại Đắk Lắk - Ảnh 2.

Hiện nay, cháu A đã có thể nói chuyện nhưng vẫn đang được chăm sóc đặc biệt.

Hiện nay, cháu N.Đ.B.A đã tỉnh táo, có thể nói chuyện nhưng vẫn được các bác sĩ tại bệnh viện chăm sóc đặc biệt vì bỏng, bị thương nhiều vùng trên cơ thể.

Cháu A. cho biết, chiều 25/12, A. cùng nhóm bạn tới nhà bà N.T.T.H. tại thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp để xem chế tạo pháo. Khi đang nhồi, nén thuốc nổ để làm pháo thì không may bị nổ. Nhóm 6 người, nhưng 2 người ra ngoài chơi nên không sao, còn 4 người ở trong thì bị thương do pháo nổ.

Thêm 1 cháu nhỏ tử vong trong vụ nổ pháo tự chế tại Đắk Lắk - Ảnh 3.

Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, nơi điều trị cho các cháu gặp nạn sau vụ nổ.

Trước đó, Dân Việt đã thông tin vụ việc qua bài viết Đắk Lắk: Một cháu nhỏ tử vong, nhiều cháu khác bị thương sau tiếng nổ lớn.

Hiện, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Vụ "siêu lừa" Hà Thành: Ngân hàng từ chối thanh toán tiền gửi tiết kiệm

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 26/12, TAND TP.Hà Nội xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Việt Á Banh (VAB).

Trong phần thủ tục, chủ toạ phiên toà thông báo bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Ngân hàng VAB) vắng mặt do đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Đặng Nghĩa Toàn xin vắng vì đang bị bệnh về não.

Vụ siêu lừa Hà Thành: Ngân hàng từ chối thanh toán tiền gửi tiết kiệm - Ảnh 1.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành tại tòa sáng 26/12.

Ngoài ra, một số luật sư cũng vắng mặt. Chủ tọa do vậy quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi của bị cáo, người liên quan.

Theo cáo trạng, năm 2016, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo 371 tỷ đồng của 3 ngân hàng PVCombank, NCB, VAB và 63 tỷ đồng của 4 người khác.

Để phạm tội, Thành vay tiền ông Đặng Nghĩa Toàn bằng hình thức yêu cầu người này gửi tiền vào Ngân hàng Quốc Dân (NCB) qua 4 sổ tiết kiệm. Thành giữ các sổ này. Cô ta sau đó giả chữ ký của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn để vay NCB 47,5 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Tương tự, Nguyễn Thị Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng PVcomBank. Thành lại dùng các sổ tiết kiệm này vay gần 50 tỷ đồng.

Vụ siêu lừa Hà Thành: Ngân hàng từ chối thanh toán tiền gửi tiết kiệm - Ảnh 2.

Ông Đặng Nghĩa Toàn từng đến ngân hàng PVCombank "đòi tiền".

Tại Ngân hàng Việt Á, Thành cũng nhờ ông Toàn và nhiều người khác gửi tiền để cô ta giữ sổ tiết kiệm. "Siêu lừa" sau đó dùng các sổ này làm tài sản đảm bảo, vay và chiếm đoạt 273 tỷ đồng.

Cáo trạng cho rằng, để được giải ngân khoản vay, Thành đã "lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng", đồng thời giả chữ ký, lăn giả vân tay của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn trên hồ sơ.

Viện kiểm sát xác định, hồ sơ vụ án không đủ căn cứ xác định vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn là đồng phạm với Nguyễn Thị Hà Thành trong việc lừa đảo các ngân hàng. Lý do, ông Toàn không nhận được văn bản của ngân hàng thông báo sổ tiết kiệm của mình bị cầm cố; các tài khoản của ông không bị phong tỏa, hằng tháng chủ sở hữu vẫn nhận được các khoản lãi.

Vụ siêu lừa Hà Thành: Ngân hàng từ chối thanh toán tiền gửi tiết kiệm - Ảnh 3.

Các bị cáo tại tòa sáng 26/12.

Về phần dân sự, vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn đề nghị 3 ngân hàng PVCombank, NCB và VAB phải trả lại mình tổng cộng 122 tỷ đồng kèm tiền lãi của số này.

Phía PVCombank từ chối, cho rằng bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng phạm phải trả tiền cho ông Toàn. VAB có quan điểm, ông Toàn giúp Thành chiếm đoạt tiền của ngân hàng nên cần tịch thu khoản tiền gửi để khắc phục hậu quả.

Riêng NCB trong giai đoạn điều tra chưa có ý kiến phần dân sự. Ngân hàng này đã phong tỏa 4 tài khoản tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng kèm tiền lãi của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn.

Nghi án mâu thuẫn làm ăn, thanh niên dùng xe cuốc đập phá nhà cửa cùng tài sản của 2 gia đình

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 26/12, Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an xã Thuận Phú điều tra, làm rõ hành vi hủy hoại tài sản 2 căn nhà và nhiều tài sản của 2 gia đình ở ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú.

Nghi mâu thuẫn làm ăn, thanh niên 24 tuổi dùng xe cuốc đập phá nhà cửa cùng tài sản của 2 gia đình - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc. Ảnh: Đậu Tất Thành

Theo đó, tối 25/12, Hải (24 tuổi, ngụ xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú) điều khiển xe cuốc biển số 93LA-2961 đến nhà anh Nguyễn Văn Thơ (33 tuổi, ở ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú).

Sau đó, Hải được cho là dùng xe cuốc phá sập căn nhà cấp 4 diện tích gần 80m2 của anh Thơ. Chưa dừng lại, Hải lái xe cuốc đến nhà anh Nguyễn Văn Ngà (35 tuổi) cách đó khoảng 500 mét.

Hải lái xe cuốc đập phá căn nhà khoảng 100m2 của anh Ngà. Nghe tiếng động lớn, vợ anh Ngà đang ngủ, nhanh chóng chạy ra cửa sau thoát nạn.

Gần 1 giờ đồng hồ, toàn bộ căn nhà đã bị đổ sập, tài sản và 1 chiếc ô tô 7 chỗ của nhà anh Ngà bị hư hại gần như hoàn toàn. Sau khi gây ra sự việc, Hải rời khỏi hiện trường, 2 nạn nhân đến công an trình báo.

Tại hiện trường, 2 căn nhà bị phá sập, ô tô 7 chỗ bị hư hại nặng, nhiều tài sản bị hư hỏng. Một số trụ điện, dây điện xung quanh hiện trường bị hư hại gây ra tình trạng mất điện một số khu vực.

Theo một số người dân, trước đó, giữa gia đình anh Ngà và anh Thơ có mâu thuẫn với nam thanh niên tên Hải trong việc làm ăn liên quan đến xe cuốc.

Thông tin mới vụ phá đường dây buôn bán 31 trẻ sơ sinh ở Bình Dương

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 26/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương đã ra thông báo truy tìm đối tượng liên quan đến vụ án mua bán người dưới 16 tuổi và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do Nguyễn Thị Ngọc Như cùng đồng bọn thực hiện xảy ra trên địa bàn.

"Nữ quái" đang bị Công an tỉnh Bình Dương truy tìm là Phạm Thị Hương (SN 1999, quê Thanh Hóa).

Vụ phá đường dây buôn bán 31 trẻ sơ sinh ở Bình Dương: Truy tìm nữ quái Phạm Thị Hương - Ảnh 1.

Đối tượng Phạm Thị Hương. Ảnh: CACC

Qua điều tra, cảnh sát xác định Phạm Thị Hương là đối tượng có liên quan trong vụ án nêu trên, hiện không rõ đang ở đâu, cần truy tìm để phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương thông báo, ai thấy đối tượng Phạm Thị Hương ở đâu đề nghị báo ngay cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, địa chỉ số 615 đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, SĐT 02743.824.087; hoặc liên hệ trực tiếp ĐTV Trịnh Vũ Hiếu, SĐT 0909.912.688, để giải quyết.

Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 8 bị can có liên quan về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi và làm giả, sử dụng tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.

Các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Ngọc Như (SN 1993, ngụ TP.HCM), Nguyễn Thị Mai (SN 1997, quê Tiền Giang), Chu Thị Cúc Phương (SN 1982, quê Khánh Hòa), Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 2001, quê Bạc Liêu), Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1989), Lê Thị Ngọc Thắm (SN 2000, quê Long An), Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1997, quê Bến Tre) và Châu Gia Hân (SN 2004, quê Đồng Tháp).

Vụ phá đường dây buôn bán 31 trẻ sơ sinh ở Bình Dương: Truy tìm nữ quái Phạm Thị Hương - Ảnh 2.

3 trong số 8 đối tượng bị công an khởi tố. Ảnh: Hoàng Minh

Vụ phá đường dây buôn bán 31 trẻ sơ sinh ở Bình Dương: Truy tìm nữ quái Phạm Thị Hương - Ảnh 3.

Giấy tờ giả nhóm này làm để hợp thức hóa việc mua bán. Ảnh: CACC

Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương củng cố để khởi tố đối với hơn 16 đối tượng có liên quan như người mua trẻ sơ sinh, sử dụng giấy tờ giả để hợp thức hóa nguồn gốc các bé. Đường dây trên do Nguyễn Thị Ngọc Như cầm đầu.

Qua điều tra, các trinh sát phát hiện Như thường đến các bệnh viện để tìm những phụ nữ đang mang thai đến khám hoặc những người phụ nữ mới sinh con tại bệnh viện nhưng không muốn nuôi con do hoàn cảnh khó khăn, lầm lỡ, hoặc lý do khác… Sau khi tiếp cận, đối tượng này sẽ đặt vấn đề xin nuôi hoặc mua lại những bé mới sinh hoặc chuẩn bị sinh và sẽ bồi dưỡng cho mẹ bé một khoản tiền nhất định.

VIDEO: Công an Bình Dương triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn. Thực hiện: Đăng Khôi

Như lên các trang mạng xã hội (các hội nhóm, nhóm kín Zalo do Như tạo để phục vụ việc mua bán trẻ) để rao bán các bé vừa mua được với giá từ 35-60 triệu đồng/bé.

Kèm theo đứa trẻ là một bộ hồ sơ giả (giấy chứng sinh, giấy xác nhận ADN, giấy khai sinh...) được Như bán với giá từ 30-40 triệu đồng/bộ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc các bé cho những người mua, nếu khách mua có nhu cầu.

Khoảng 16h ngày 16/8, trên đường ĐT744, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát giao thông và Công an huyện Dầu Tiếng đã bắt quả tang đối tượng Như cùng đứa trẻ sơ sinh chuẩn bị mang bán.

Tang vật còn có 2 giấy phân tích, xác nhận ADN, 1 giấy chứng sinh được Như đặt làm giả. Đến hiện tại, Công an tỉnh Bình Dương đã xác định có 31 trẻ sơ sinh đã bị các đối tượng buôn bán. 

Ban chuyên án đã xác định và mời làm việc 16 người mua, người bán; tất cả đều thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, đồng thời Ban chuyên án đã tìm và xác định được 7 bé sơ sinh đã bị bán.

Vì sao phiên xử vụ thất thoát tiền tỷ tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Gia Lai bị tạm dừng?

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 26/12, TAND tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, phiên tòa sau đó đã bị tạm dừng do bị cáo Nguyễn Thế Quang (65 tuổi, cựu Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai) vắng mặt vì lý do sức khỏe .

Theo HĐXX, phiên tòa sẽ tiếp tục các thủ tục tranh luận, nghị án và tuyên án vào ngày 29/12.

Trước đó, vào ngày 2/11, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án này ra xét xử và quyết định hoãn phiên tòa do luật sư của một bị cáo có đơn xin vắng mặt.

Trong vụ án này, các bị cáo ngoài ông Nguyễn Thế Quang thì còn có bà Nguyễn Thị Lựu (55 tuổi, nguyên Phó chánh Văn phòng) và bà Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi (32 tuổi, nguyên kế toán Văn phòng).

Phiên xử vụ thất thoát tiền tỉ tại Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND Gia Lai bị tạm dừng - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: H.L

Theo cáo trạng, từ năm 2013-2016, ông Nguyễn Thế Quang, bà Nguyễn Thị Lựu và bà Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi đã lập dự toán kinh phí của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai trùng dự toán kinh phí 7 biên chế của Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai (đã được Văn phòng Quốc hội cấp dự toán riêng) và được cấp tổng cộng hơn 2,3 tỷ đồng. Sau khi được cấp dự toán trùng, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai đã chi hết số tiền này.

Viện KSND tỉnh nhận định, bị can Nguyễn Thế Quang là thủ trưởng đơn vị, đã ký vào các văn bản chứng từ liên quan có tính chất quyết định đến việc dự toán kinh phí trùng, chi phí kinh phí trùng sai trái, gây thiệt hại cho ngân sách. Do vậy, bị can Quang có vai trò cao nhất trong vụ án.

Trong khi đó, bị can Nguyễn Thị Lựu biết rõ 7 biên chế của Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã được Văn phòng Quốc hội cấp dự toán ngân sách nhưng vẫn tham mưu cho bị can Quang lập dự toán kinh phí cấp trùng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Bị can Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi phát hiện việc đưa 7 biên chế của Đoàn ĐBQH vào lập dự toán ngân sách cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là sai và đã loại ra. Tuy nhiên, bị can Lựu không đồng ý mà yêu cầu bị can Vi phải tiếp tục đưa 7 biên chế này vào để lập dự toán xin cấp kinh phí. Bản thân bị can Vi tuy biết rõ việc làm này là sai trái nhưng thực hiện theo sự chỉ đạo của bị can Lựu.

Đối với trách nhiệm người đứng đầu HĐND tỉnh, bị cáo Quang không báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai biết việc lập dự toán trùng 7 biên chế của Đoàn ĐBQH. Mặt khác, bị can là thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình về sử dụng biên chế, kinh phí được giao. Do đó, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Gia Lai không đề nghị xử lý trách nhiệm các cá nhân của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai giai đoạn từ 2013-2016.

Qua giám định thiệt hại, cơ quan chức năng xác định, 3 bị cáo trên đã gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Đối với khắc phục thiệt hại, Nguyễn Thế Quang nộp hơn 1,1 tỷ đồng; Nguyễn Thị Lựu nộp hơn 1,1 tỷ đồng đồng và bị can Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi nộp 65 triệu đồng để khắc phục hậu quả.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem