Sau khi Dân Việt đưa thông tin về việc ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ về Sacombank tham gia tái cơ cấu ngân hàng này, thị trường đã có phản ứng tích cực. Cổ phiếu STB quay đầu tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 25.4 và tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch sáng nay.
Tại sao thị trường lại có phản ứng tích cực trước thông tin ông Hưởng về Sacombank như vậy? Ông Hưởng sẽ làm gì ở Sacombank?
Theo nguồn tin của Dân Việt, trong ngày hôm nay, UBCK Nhà nước sẽ công bố danh sách ứng viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 – 2020 có tên ông Hưởng sẽ tham gia thành viên HĐQT theo đề cử của HĐQT Sacombank hiện tại và sự giới thiệu của NHNN. Dự kiến, ĐHĐCĐ của Sacombank cũng được đẩy sớm hơn, có thể sẽ không tổ chức vào ngày 26.5 mà sẽ là ngày 19.5.
Thông tin ông Hưởng sẽ tham gia tái cơ cấu Sacombank đã khiến thị trường có phản ứng tích cực. Trước đó, cổ phiếu STB đang trong xu hướng giảm giá, thậm chí phiên giao dịch ngày 24.4 còn giảm sàn thì sáng ngày 25.4, sau khi Dân Việt đưa thông tin về việc ông Hưởng sẽ tham gia tái cơ cấu Sacombank, cổ phiếu ngân hàng này đã quay đầu tăng điểm. Mở cửa phiên giao dịch ngày hôm nay, cổ phiếu STB vẫn tiếp đà tăng điểm.
Ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2020
Tại sao thị trường lại phản ứng tích cực trước thông tin ông Hưởng sẽ về Sacombank như vậy? Là một người làm trong lĩnh vực ngân hàng từ rất lâu, nhưng cái tên Nguyễn Đức Hưởng thật sự gây ấn tượng tới thị trường và giới tài chính khi về LienVietPostBank.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, là một trong những cổ đông sáng lập LienVietPostBank. Tuy không phải là ông chủ, nhưng hình ảnh của LienVietPostBank gắn liên với cái tên Nguyễn Đức Hưởng.
Được thành lập từ năm 2008, đến nay, LienVietPostBank đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Qua 9 năm hoạt động, LienVietPostBank hiện đã là ngân hàng tầm trung với tổng tài sản hơn 141.000 tỷ đồng, huy động vốn hơn 116.000 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay đạt trên 83.000 tỷ đồng. Ngân hàng có vốn điều lệ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 6.460 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt hơn 8.300 tỷ đồng.
Riêng về lợi nhuận, năm 2016, LienVietPostBank đạt 1.348 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng hơn 3 lần so với năm 2015 và quý đầu năm 2017 lợi nhuận đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước với xấp xỉ 470 tỷ đồng. Trong hệ thống các ngân hàng thì LienVietPostBank có lợi nhuận cao thứ 9/35 và quy mô vốn đứng thứ 16/35.
Điểm nhấn của ông Hưởng khi đang giữ chức tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT ở LienVietPostBank là thương vụ sáp nhập Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện với giá 200 tỷ đồng, nâng tổng số điểm giao dịch của ngân hàng lên hơn 1.000 điểm giao dịch trên toàn quốc. Sau thương vụ này, LienVietPostBank trở thành NHTM cổ phần đầu tiên có điểm giao dịch trải khắp 63 tỉnh thành, phố.
Ngoài ra, LienVietPostBank cũng là một ngân hàng chi trả bảo hiểm toàn quốc, nên có nguồn vốn lớn, vững chắc từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam. LienVietPostBank cũng một ngân hàng đi đầu trong hiện đại hoá, đang triển khai thành công Ví Việt.
Theo ông Hưởng cạnh tranh ngân hàng trong thời gian tới là chủ yếu chạy đua trên ngón tay trỏ và bằng hình thức ngân hàng di động trên điện thoại di động.
Là một người đặc biệt quan tâm đến đời sống cán bộ nhân viên, ông Hưởng đã đưa ra tôn chỉ “sống bằng lương, giàu bằng thưởng” và đã thực hiện thành công ở LienVietPostBank. Vừa rồi cán bộ, nhân viên làm việc tốt và lâu năm ở ngân hàng đã được thưởng cả ô tô hoặc nhà.
Với thành tích đó, thị trường kỳ vọng Sacombank sẽ có sự chuyển biến tích cực khi có sự tham gia của ông Hưởng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hưởng cho biết, nếu được tham gia tái cơ cấu Sacombank, ông sẽ nỗ lực cao nhất.
Rõ ràng, muốn thành công ở Sacombank, việc cần làm là phải nhìn thẳng và xử lý dứt điểm những khó khăn, rào cản xung quanh cục nợ xấu và phải xử lý đồng bộ bằng cơ chế chính sách từ Chính phủ, NHNN.
Tuy nhiên, cũng phải thổi được luồng không khí vào toàn thể cán bộ nhân viên làm sống dậy lòng tự hào thương hiệu Sacombank vốn có và nâng lên tầm cao mới. Khơi dậy thế mạnh của Sacombank và đi đầu trong bán lẻ và hệ thống mạng lưới vững chắc.
Lâu nay, một trong những thế mạnh của Sacombank cũng cần được vực dậy và nhân rộng đó là đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây chính là thế mạnh của Sacombank tại TP.HCM và khu vực Tây Nam Bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.