Nghề nuôi hươu lấy nhung và cung cấp con giống tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) từng tồn tại hàng trăm năm nay. Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, tổng đàn hươu của huyện hiện có khoảng trên 33.000 con (tăng 1,5 lần so với năm 2015).
Nghề nuôi hươu sao lấy nhung trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, với doanh thu ước đạt 120-150 tỷ đồng/năm. Ảnh: T.L
Ước tính giá trị thu nhập từ nghề nuôi hươu vào thời điểm hiện tại lên tới gần 150 tỷ đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động, trong đó riêng thu nhập từ việc bán nhung hươu ước tính đạt trên 100 tỷ đồng.
Trước đây, con hươu được nuôi chủ yếu ở các xã Sơn Trung, Sơn Châu, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Ninh… nhưng hiện nay, hươu đã phát triển đến vùng sâu vùng xa. Những xã Sơn Kim1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Mai, Sơn Hàm cũng đã phát triển nghề nuôi hươu. Theo ông Nguyễn Song Hào - Chủ tịch UBND Sơn Trung, tại Sơn Trung có 500 hộ nuôi hươu và nghề nuôi hươu hiện nay là nghề phát triển kinh tế tương đối ổn định.
Đàn hươu sao nuôi theo phương thức bán hoang dã ở địa bàn huyện Hương Sơn (ảnh Đậu Bình)
Hiện nay đồng cỏ chăn nuôi ở Hương Sơn có diện tích 642 ha (tăng gấp đôi so với năm 2010). Do vậy, nghề nuôi hươu có thể chủ động về nguồn thức ăn.
Tuy nhiên, nghề nuôi hươu cũng như xuất bán nhung hươu của người dân nơi đây chưa bền vững, cũng chưa thể mở rộng thị trường, nhất là chưa thể xuất khẩu sản phẩm nhung hươu do "vướng" quy định hươu sao là động vật rừng.
Để phát triển chăn nuôi loài vật này, người dân và chính quyền các cấp ở Hương Sơn đã nhiều lần đề nghị cấp ngành liên quan đưa hươu sao ra khỏi danh mục động vật rừng thông thường và bổ sung vào danh mục giống vật nuôi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất - kinh doanh, xây dựng thương hiệu...
Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn có giá từ 9 triệu đến 1,1 triệu đồng/kg, tùy thời điểm, chất lượng... Ảnh: I.T
Tiếp thu những kiến nghị này, Đoàn công tác của Cục Chăn nuôi do Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh làm trưởng đoàn đã trực tiếp về khảo sát, kiểm tra thực tế, trao đổi với người dân và làm việc với các sở ngành, chính quyền địa phương.
Tất cả các ý kiến thảo luận, trao đổi đều cho thấy, từ nhiều năm nay, tại huyện Hương Sơn nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung không phát hiện thấy hươu sao tồn tại trong rừng tự nhiên. Do đó có thể khẳng định, nguồn giống hươu sao hoàn toàn do người dân tạo ra.
Mặt khác, qua một số tài liệu, phương thuốc thì sản phẩm nhung hươu đã được sử dụng cách đây hàng trăm năm và hươu sao đã được con người thuần hóa cách đây hơn 300 năm.
Ở Hương Sơn, hộ nào nuôi ít cũng có 10-20 con hươu, nuôi nhiều có thể lên tới cả trăm con. Ảnh: I.T
Bên cạnh đó hươu sao là vật nuôi hiền lành, dễ thích ứng, mang lại giá trị kinh tế cao. Thực tế cũng cho thấy, từ năm 2008 - 2017, bình quân mỗi năm, đàn hươu sao ở Hương Sơn tăng 6% và toàn huyện đang có khoảng 33.450 con, có 345 cơ sở nuôi với quy mô trên 10 con, mỗi năm mang về nguồn thu từ 120 - 150 tỷ đồng.
Sau khi khảo sát thực tế, nghe báo cáo, xét nguyện vọng đề xuất của địa phương và người dân, ông Tống Xuân Chinh và đoàn công tác đã nhất trí đưa hươu sao ra khỏi danh mục động vật rừng thông thường theo tinh thần Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường.
Đoàn công tác sẽ sớm đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận hươu sao là giống vật nuôi, bổ sung vào Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nhụy - chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết: “Nếu tính trung bình 0,55 kg nhung/1 con thì tổng sản lượng nhung trên địa bàn khoảng 11-12 tấn, giá nhung hiện tại 10 triệu đồng/kg, ước tính thu hoạch từ nguồn nhung khoảng 110 tỷ đồng. Ngoài ra đàn hươu nái ước tính 10.000 con, trong đó có khoảng 70% sinh sản sẽ có 7.000 con giống. Mỗi cặp giống 3 tháng tuổi giá hiện thời khoảng 10 triệu đồng trở lên, tổng thu nhập khoảng 35 tỷ đồng”. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.