"Ít nhất, các cơ quan tình báo Mỹ được biết về điều này," ông Pekin tuyên bố.
"Nếu đúng là trách nhiệm âm mưu đảo chính thuộc về tổ chức như người ta khẳng định, thì nhất định Mỹ phải biết về tình hình diễn biến. Bởi vì tổ chức này không thể dám thực hiện đảo chính mà không cảnh báo trước Mỹ. Rõ ràng, đứng đằng sau âm mưu này là các cơ quan tình báo Mỹ. Khá muộn, người Mỹ mới đưa ra tuyên bố chính thức về âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra có những nhân vật như Ralph Peters, tác giả bản đồ chia tách Thổ Nhĩ Kỳ. Như ông ta nói: "Đây là cơ hội cuối cùng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đảo chính phải thành công để đất nước không biến thành một nhà nước Hồi giáo." Nhưng khi đã rõ cuộc đảo chính thất bại, bọn họ đều im lặng."
Ông Hakki Pekin thừa nhận sự cảnh báo về khả năng có âm mưu đảo chính đã nhận được từ phía một số tổ chức quốc tế, các trung tâm phân tích quốc tế và phương tiện truyền thông, nhưng Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã lơ là thực hiện các biện pháp hợp lý:
"Sẽ có âm mưu đảo chính là điều khá rõ. Nhưng Lực lượng Vũ trang đã chờ đợi cuộc họp Hội đồng quân sự tối cao được dự kiến vào đầu tháng Tám. Cuộc họp có nhiệm vụ vạch trần những đối tượng mưu đồ bạo động, cách chức, thậm chí danh sách những nhân vật khả nghi đã được chuẩn bị. Tôi nghĩ là các đối tượng này nhận thấy không thể tiếp tục chờ đợi điều kiện thích hợp và họ tìm cách "đánh phủ đầu".
Theo ông Hakki Pekin, nhiều đối tượng nổi loạn đã bị bắt giữ. "Dù sao đi nữa thì … một cuộc đảo chính có quy mô lớn như vào ngày 15.7 sẽ không còn cơ hội xảy ra", cựu quan chức tình báo quân sự Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.
Trong khi đó, trước những cáo buộc rằng có khả năng chính chính quyền của Tổng thống Erdogan đã dàn dựng cuộc đảo chính thất bại này để tăng quyền lực, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ông Ibrahim Kalin đã bác bỏ những cáo buộc này.
Phát biểu trước các phóng viên nước ngoài, ông Ibrahim Kalin nói: "Đó là những cáo buộc thực sự vô lý. Nó chẳng khác gì những cáo buộc rằng Mỹ đã dàn dựng vụ 11.9 hay vụ tấn công ở thủ đô Paris và thành phố Nice đều là do Chính phủ Pháp dàn dựng".
Cùng ngày, hãng Thông tấn nhà nước Anadolu đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu 1.577 Trưởng khoa ở các trường đại học từ chức do bị nghi có liên quan đến vụ đảo chính bất thành. Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo hơn 15.000 nhân viên ngành này đã bị đình chỉ công việc và một cuộc điều tra đang được tiến hành. Ngoài ra, 34 nhà báo khác cũng đã bị tước thẻ nhà báo do tình nghi có liên quan đến giáo sĩ lưu vong Gullen - người mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang cáo buộc đứng đằng sau kích động cuộc đảo chính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.