Vài năm trở lại đây, bài hát này mới được cất lên trở lại trên đất nước ta nhưng vào những năm đời sống văn nghệ bị thẩm định khắt khe nhất, bản tình ca bất hủ này vẫn khiến nhiều người run rẩy khi nghe nó lần đầu.
|
Nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Đức Tuấn trong ca khúc bất hủ Tình ca. |
Khi bài hát cất lên bằng giọng hát da diết của Thái Thanh (sau này tôi mới biết):
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi
Lời mẹ ru những câu xa vời… à ơi…
Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi!
Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi… bác Luật (sau này làm Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh) đã lắc đầu “Tài năng cỡ này mà bỏ nước sang Mỹ thì phí quá!”. Nghe trọn bài hát mà có những câu khiến cả những thằng bé con như tôi ngày nào cũng phải sởn gai ốc:
“Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi ”
Tôi biết, nhiều người trong ban thẩm định âm nhạc của Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Bắc thời xưa cũ hôm ấy đã khẽ khàng nuốt nước mắt. Thủa trước, khi cầm súng đi dọc Trường Sơn vô Nam đánh quân cướp nước bạo tàn, họ cũng mang nguyên cái cảm xúc ấy, cái cảm xúc mà chỉ Phạm Duy mới biến nó thành nhạc điệu, thành nỗi lòng quấn quýt cho những người yêu quê hương, đất nước và sẵn sàng hy sinh vì nó.
|
Giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sỹ Phạm Duy: hai tình yêu dân tộc lớn |
Tôi còn yêu cái băng nhạc có bài hát của Phạm Duy này hơn nữa khi bác Nguyễn Văn Soạn (Phó đoàn nghệ thuật – quan họ Hà Bắc, nay đã mất) đã không tiếc kẹo, bánh để gạ tôi thó trộm cái băng ấy cho bác. Hai bác cháu nghe trong chiếc hầm cũ để tránh bom ngày xưa, lúc nào nghe xong, bác Soạn cũng có một câu xuýt xoa: “Bài này là một bản giao hưởng hoàn chỉnh. Còn nhiều năm nữa và nhiều thời đại âm nhạc nữa mới có một bản cỡ này được ra đời”… Giao hưởng hay gì đi chăng nữa, tôi cũng chả biết nhưng khi nghe đoạn:
Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi
Tấm áo nâu ! Rướn mình đi từ cõi rừng sâu
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi!
Tôi lại cứ nhớ đến ông tôi, bà tôi để rồi nhỏ ra những giọt nước mắt trẻ thơ trắng trong nhất…
Thời gian biến ảo, cái nhìn về Phạm Duy không còn giống ngày xưa nữa. Ca sĩ ăn khách số một về dòng nhạc thính phòng, giao hưởng là Đức Tuấn đã có một đêm nhạc mà Tình ca là bài chủ đạo cho buổi diễn hoành tráng, sang trọng nhất của anh.
Trở về quê hương và ra đi trên mảnh đất đã cho mình một tình yêu, một bản tình ca để đời âu cũng là một an ủi cuối cùng cho nhạc sĩ Phạm Duy – Người yêu quê hương với tình yêu trinh nguyên nhất.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.