Tổng thống Belarus tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga

Lê Phương (RT) Thứ bảy, ngày 01/04/2023 08:01 AM (GMT+7)
Minsk và Moscow "sẽ không dừng lại" để có thể bảo vệ người dân hai nước, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố.
Bình luận 0
Tổng thống Belarus tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Belarus tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cân nhắc khả năng quốc gia của ông sẽ tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga trong bài phát biểu thường niên trước quốc hội hôm 31/3. Tuyên bố của ông được đưa ra khi Moscow công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus.

"Tôi và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tại Belarus nếu cần", ông Lukashenko nói với các nhà lập pháp, đồng thời cho biết thêm rằng động thái này sẽ thể hiện ý chí sẵn sàng bảo vệ "chủ quyền và độc lập" của hai quốc gia.

"Chúng tôi sẽ không dừng lại trong việc bảo vệ các quốc gia cũng như người dân của chúng tôi", nhà lãnh đạo Belarus nói, đồng thời lưu ý quyết định này có thể sẽ đóng vai trò cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn chặn bất kỳ động thái thù địch nào của Mỹ và các đồng minh. Tổng thống Belarus bày tỏ hy vọng rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tới đất nước của ông sẽ "làm tỉnh táo tất cả những con diều hâu trên ao trong một thời gian dài".

Tổng thống Lukashenko cũng cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội khôi phục các cơ sở được sử dụng để cất giữ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol và những nơi từng là địa điểm phóng vào thời Liên Xô. Theo tổng thống, Belarus giữ lại tất cả các cơ sở có "cấu trúc kỹ thuật phức tạp".

Nga hiện đang sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M và Yars - phiên bản nâng cấp của tên lửa Topol do Liên Xô sản xuất được phát triển từ những năm 1980. Các tên lửa có thể được đặt trong silo hoặc đặt trên các bệ di động có bánh xe tự hành. Một số phiên bản di động của tên lửa Topol ban đầu đã được triển khai tới Belarus trong thời Xô Viết.

Tổng thống Belarus trước đây và nhiều lần ủng hộ việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân tới đất nước của ông, viện dẫn mối đe dọa từ phương Tây. Vào tháng 10/2022, ông nêu ra các cuộc đàm phán "chia sẻ hạt nhân" giữa Washington và Warsaw, cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể được bố trí ở Ba Lan, nơi giáp biên giới với Belarus.

Tuần trước, Tổng thống Putin tuyên bố triển khai vũ khí chiến thuật của Nga tới Belarus bằng cách nói rằng một cơ sở lưu trữ đặc biệt dành cho chúng sẽ sẵn sàng vào ngày 1/7. Trước đó, Nga chỉ trích việc Anh cung cấp cho Ukraine vũ khí uranium nghèo là dấu hiệu của "sự liều lĩnh tuyệt đối và vô trách nhiệm" từ phía London và Washington.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã liên hệ việc Nga quyết định triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus với cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 3.

"Tín hiệu về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus cho thấy rằng cuộc gặp của ông Putin với ông Tập đã thất bại", ông Zelensky nói trong cuộc họp báo với tổng thống Moldova cũng như các thủ tướng Croatia, Slovenia và Slovakia, tại Kiev. 

Ông Putin và ông Tập đã ký hơn chục văn bản về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp đến khoa học và quân sự trong chuyến thăm. Sau đó, Moscow xác nhận rằng hai quốc gia đang trong giai đoạn cuối cùng của việc đạt được một thỏa thuận lớn về khí đốt, trong khi Bắc Kinh nói rằng họ hướng tới hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn với Moscow. Lầu Năm Góc cũng mô tả chuyến thăm của ông Tập tới Moscow là một "thông điệp rất đáng lo ngại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem