Tình người trong bão lũ

Thứ hai, ngày 11/11/2013 06:36 AM (GMT+7)
Trong những cơn khó, chống chọi thiên tai, giữa ngổn ngang bão lũ, chợt bắt gặp những con người, những câu chuyện, những hình ảnh khiến mọi người cảm động, thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.
Bình luận 0
Đó là chuyện cậu học trò Nguyễn Trường Giang, lớp 10A6, Trường THPT số 4 Bố Trạch, trong khi giúp mẹ thu dọn đồ đạc tránh lũ, đã không chần chừ lao mình vào dòng nước hung hãn để cứu hai em nhỏ. Sau khi cứu được hai em Nguyễn Trung Thành (9 tuổi) và Nguyễn Thành Công (8 tuổi), Giang đã bị đuối sức và suýt nữa bị nước cuốn trôi.

May mắn em đã được cậu ruột là anh Nguyễn Văn Liên và những người hàng xóm tốt bụng kịp thời cứu. Mãi cứu người, sau lũ, dường như tất cả tài sản, vật dụng của họ đều bị lũ cướp đi, nhưng niềm vui vẫn lấp lánh trong từng ánh mắt, bởi họ đã quên hiểm nguy để mang lại sự sống cho những người xung quanh mình...
Về với nhân dân (bộ đội giúp người dân xã Quảng Sơn)
Về với nhân dân (bộ đội giúp người dân xã Quảng Sơn)

Còn nhớ sau bão số 10, trong một lần mang quà cứu trợ cho các bệnh nhân bị thương do bão, chúng tôi tình cờ gặp một thanh niên đang điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới. Khi biết chúng tôi là phóng viên, người thanh niên hỏi: Báo của chị có mục gương người tốt việc tốt không? Sau một lúc chuyện trò, được biết người thanh niên nọ là Đặng Thế T (sinh năm 1984).

T kể: Em là phạm nhân ở phân trại số 1, Trại giam Đồng Sơn. Chiều hôm bão số 10 đổ bộ, em bị mảnh tôn bay cắt vào chân gây chảy máu dữ dội. Lúc này đang là cao điểm của cơn bão, nên xe ô tô của trại không thể đi được do cây gãy, cột điện đổ ngổn ngang. Nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể em sẽ bị mất máu và tử vong. Và sau khi sơ cứu, lãnh đạo trại giam đã cử 5 cán bộ cáng em đi khi cơn bão vẫn đang dữ dội. Được khoảng 5 km thì gặp một chiếc xe tải, lúc này cả đoàn mới đi nhờ xe về bệnh viện.

“Nếu không có sự tận tình của các cán bộ, có thể em đã bị nguy hiểm đến tính mạng. Nếu được, nhờ các chị viết đôi dòng cảm ơn để nhờ bài báo, em gửi đến chú Trị (Đại tá Hoàng Quốc Trị, Giám thị trại giam – PV) và các anh cán bộ Trại giam Đồng Sơn lời cảm ơn...”, T nói. Câu chuyện của T khiến cho nhiều người trong phòng bệnh đều cảm động và buổi chiều mưa bão chợt ấm áp hơn bao giờ...

Để kết nối với một nhà tài trợ cho các hộ khó khăn sau bão lũ ở hai thôn Tiền Phong và Quyết Tiến, xã Thanh Trạch (Bố Trạch), chúng tôi đã có mặt tại đây vào sáng 18-10, khi mưa hoàn lưu vẫn tầm tã rơi. Theo chân anh Phạm Đức Huấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, chúng tôi có mặt tại nhà cụ Ngô Thị Trà (90 tuổi) ở xóm 5, thôn Tiền Phong.

Cụ Trà là thân nhân liệt sĩ và không có chồng, con. Bao nhiêu năm sống một mình trong căn nhà nhỏ, nhiều người hàng xóm lân cận đã thay nhau giúp đỡ cụ. Cho đến 3 tháng gần đây, cụ bị tai biến nặng và nằm một chỗ. Hai người hàng xóm là bà Hoàng Thị Huệ (72 tuổi) và Lưu Thị Loan (64 tuổi) đã thay phiên nhau chăm sóc.

Đến bữa cơm, hai bà lại có mặt tại nhà cụ Trà. Bà Huệ kể: “Thường thì mệ Loan chịu trách nhiệm đút cơm, còn tui vén dọn. Cũng cực lắm, nhưng mà thương mệ Trà không chồng con lại bệnh tật nặng nên bầy tui cũng cố gắng. Mấy bữa bão, bọn tui phải túc trực chống bão cho mệ. Cửa nẻo bay hết sạch, nên tạm thời dùng mấy tấm ván che chắn...”.
Bà Huệ, bà Loan chăm sóc cụ Trà.
Bà Huệ, bà Loan chăm sóc cụ Trà.

Nhìn hai người phụ nữ lưng đã còng thay nhau chăm sóc một người đang ốm liệt giường, chúng tôi không khỏi xúc động bởi tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của họ. Sau bão lũ, nhà họ cũng bị thiệt hại, vừa lo khắc phục nhà mình, vừa lo chăm sóc hàng xóm, bữa cơm ngày mưa lũ chỉ có quả trứng gà, chút nước mắm, nhưng lại chứa đầy tình yêu thương...

Khi cơn bão số 10 để lại những ngôi nhà sập đổ, tan hoang, chúng tôi về xã biển Đức Trạch. Sáng sớm nghe tin nhà chị Nguyễn Thị Liên, thôn Thượng Đức bị một cây trụ bê tông đè xuống gần đổ sập, khi xế trưa chúng tôi đến đã thấy người dân trong xóm đang dựng lại ngôi nhà. Hỏi chuyện, một người bảo, chừ hai mạ con hắn nằm viện, tiền bạc không có nên bầy tui đi thiếu nợ để sửa nhà cho hắn, mai mốt tính sau...

Và hình ảnh mà tôi nhớ nhất là những ngôi nhà ở xã Quảng Sơn (Quảng Trạch) sau cơn lốc. Với sự có mặt kịp thời của lực lượng bộ đội và thanh niên tình nguyện, Quảng Sơn như một đại công trường bởi nhà nhà đang được dựng lên, những mái nhà thì được khoác thêm áo mới. “Chiếc áo” nửa màu đỏ tươi bởi ngói mới vừa được lợp, nửa kia cũ kỹ và đẫm màu thời gian. “Không có bộ đội thì gay, chắc còn lâu bầy tui mới có nhà để ở!”, một người phụ nữ ở thôn Linh Cận Sơn vừa bốc dỡ ngói vừa kể.
Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Liên (xã Nhân Trạch, Bố Trạch) nhanh chóng được hàng xóm dựng lại sau mưa bão.
Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Liên (xã Nhân Trạch, Bố Trạch) nhanh chóng được hàng xóm dựng lại sau mưa bão.

Trong buổi chiều muộn và lất phất mưa bay, tôi bắt gặp hình ảnh những người lính và thanh niên tình nguyện khoác áo mưa nối đuôi nhau đi trên con đường lồi lõm sống lưng trâu để về với những thôn xóm, những con người đang cần sẻ chia, giúp đỡ. Hình ảnh ấy thật lung linh và đẹp đẽ. Sự mất mát do thiên tai là không đo đếm được, nhưng chợt ấm lòng bởi có lẽ chưa bao giờ tình quân dân, tình người lại thắm thiết như buổi ấy, khi bão lũ vừa đi qua và để lại những hoang tàn...

Và bên cạnh nội lực của mỗi một người dân Quảng Bình trong hoạn nạn, đã có hàng trăm đoàn thiện nguyện từ khắp nơi trong cả nước, mà ngay sau khi bão tan, lũ rút, họ đã có mặt kịp thời, trao tận tay bà con từng gói mì tôm, từng manh áo ấm. Hàng nghìn ngôi nhà nhanh chóng được sửa sang nhờ những đồng tiền đầy tình nghĩa họ quyên góp được và mang tặng nhân dân Quảng Bình. Sách vở, áo quần bị lũ cuốn trôi, giờ học trò lại có áo ấm, có vở trắng, bút mực... tiếp tục đến trường. Để rồi trong vất vả, thiếu thốn, trẻ thơ vẫn hồn nhiên mỉm cười, những nụ cười ấm lòng mẹ cha và rực rỡ như nắng giữa miền quê vẫn còn bao ngổn ngang sau bão lũ...

Còn nhiều nữa những câu chuyện, những con người, những hình ảnh ấm áp trong thiên tai bão lũ. Đó là chồng chở che cho vợ dưới bức tường đổ sập, mẹ ôm chặt con trong dòng nước lũ, hàng xóm quên mình giúp đỡ nhau trong những khoảnh khắc nguy nan... Vâng, giữa ngút ngàn những khó khăn, thách thức, chút ấm áp ấy sẽ tiếp thêm nghị lực cho mọi người, để vượt qua mất mát, đau thương và sống với niềm tin vào ngày mai tươi sáng...

Khi đang viết bài này thì chúng tôi nhận được tin cụ Ngô Thị Trà đã qua đời ngày 19.10. Bà Huệ, bà Loan và những người người dân địa phương đã đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng trong cơn mưa tầm tã. Anh Phạm Đức Huấn nói, dù phải sống một mình, nhưng những ngày cuối đời, cụ Trà cũng được sưởi ấm bằng tình thương của những người hàng xóm như bà Huệ, bà Loan...
Báo Quảng Bình (Theo Báo Quảng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem