Từ đó báo chí rộ lên về 1 triệu tỷ dư nợ tín dụng bất động sản. Tổng dư nợ tín dụng cỡ 2,6 triệu tỷ. Con số 2 triệu tỷ là chưa sát. Những người có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đã giải thích lại: Dư nợ tín dụng bất động sản chỉ chiếm 5%-10% tổng dư nợ (cụ thể là 203 nghìn tỷ cỡ gần 8%), chứ không phải 50%.
Rồi ngày 31.10.2012, ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng lại nói về con số hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 57% tổng dư nợ (gồm cho vay bất động sản, vay để đầu tư kinh doanh và vay thế chấp bằng bất động sản). Và báo chí lại rộ lên với hơn 1 triệu tỷ đồng “dư nợ bất động sản”, bị “chôn trong tảng băng nhà đất”, “tồn đọng trong bất động sản”, “chết cứng trong bất động sản” vân vân và vân vân.
Phải nói ngay đấy là cách hiểu sai, gây hoang mang rất nguy hiểm. Con số 203 nghìn tỷ có thể chưa chính xác, con số hơn 1 triệu tỷ dư nợ bất động sản là hoàn toàn sai.
Thứ nhất, 57% của tổng dư nợ cỡ 1,5 triệu tỷ đồng chứ không phải 1 triệu.
Thứ hai, ông Bộ trưởng dẫn Ngân hàng Nhà nước cho biết 0,203 triệu tỷ cho vay bất động sản; số còn lại (cỡ 1,3 triệu tỷ) là cho vay để đầu tư kinh doanh khác được thế chấp bằng bất động sản nhưng không phải là tín dụng cho kinh doanh bất động sản. Nói số này bị “chôn”, bị “tồn đọng”, bị “chết cứng” trong bất động sản là vô nghĩa, là sự hiểu sai hoàn toàn. Tổng dư nợ cho vay có đảm bảo bằng bất động sản như thế khoảng 1,5 triệu tỷ, trong đó có 0,203 triệu tỷ cho kinh doanh bất động sản và 1,3 triệu tỷ cho kinh doanh khác.
Tại Việt Nam tổng giá trị bất động sản không dùng làm thế chấp để vay tiền kinh doanh có thể lớn hơn con số được dùng làm thế chấp (tạm cho là 1,5 triệu tỷ) phải đến 6-7 lần. Số đó (9-10 triệu tỷ) mới bị “chôn”, “bị chết cứng” trong bất động sản, chứ không phải số 1,5 triệu tỷ vì số được thế chấp này đã biến thành “tư bản”, thành “vốn” để phát triển sản xuất kinh doanh.
May cho các ngân hàng là có số tài sản thế chấp đó. Số vốn ngân hàng cho vay bị “chôn”, bị “đọng” trong bất động sản chỉ là số nợ xấu của tín dụng bất động sản và không thể lớn hơn tổng dư nợ bất động sản.
Vậy tại sao người ta lại “vống” lên? Có thể do (các báo) lầm khái niệm, hiểu sai. Cũng có thể có động cơ phải “la to lên” để mong được sự cứu trợ của Nhà nước. Loại động cơ sau thực sự bóp méo thông tin để gây áp lực hòng vận động chính sách có lợi cho các nhóm lợi ích. Nó phải bị vạch trần và Nhà nước nên tỉnh táo với những lời kêu la như vậy.
Những người đã kiếm bộn tiền trong lúc bong bóng nhà đất thịnh hành bây giờ lớn tiếng đòi Nhà nước phải cứu họ, không thì nền kinh tế lâm nguy! Hãy cẩn trọng với họ. Họ đã mắc sai lầm trong quản lý, trong kinh doanh và chính họ phải chịu hậu quả. Cách tốt nhất là họ phải hạ giá hàng (nhà đất) của mình cho phù hợp với sức mua của dân để tự cứu, chứ đừng vận động Nhà nước bỏ tiền ra cứu.
Nguyễn Quang A
Vui lòng nhập nội dung bình luận.