Cuộc sống luôn có những mảnh ghép sáng - tối và con người ai cũng có lúc phạm phải sai lầm. Thế nhưng, quan trọng là sau những sai lầm, con người ta biết hối hận và tìm con đường mới làm lại cuộc đời.
Dẫu biết, con đường đó còn lắm gian nan và đầy những thử thách, nhưng chính nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, xã hội, có người đã thật sự hoàn lương.
“Vết đen” quá khứ
Khoảng 30 năm về trước, chàng trai Đồng Trọng Dũ (35 tuổi, trú phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi), còn là một đứa trẻ “ăn chưa no lo chưa tới”. Không giống như các bạn cùng trang lứa, từ nhỏ, Dũ đã có một cuộc sống không mấy “bình yên” khi thường xuyên phải chứng kiến những cuộc gây gổ, cãi vã của ba mẹ. Những lúc như thế, cậu bé Dũ chỉ biết thu mình ở một góc tối và... khóc.
Lớn lên như cỏ dại, không ai quan tâm, dạy dỗ; lại thêm nỗi ám ảnh nặng nề về tuổi thơ đầy “bạo lực”, nên Dũ lúc nào cũng trong trạng thái “bất cần đời”. Mới học tới cấp hai, Dũ đã biết nghỉ học, tụ tập với đám bạn xấu để ăn chơi lêu lổng. “Vạ vật” với con chữ đến năm lớp 9 thì Dũ bỏ học... đi bụi đời. Từ đó, những ngày tháng lang bạt của Dũ bắt đầu.
Và mãi cho đến tận bây giờ, khi kể về những “vết đen” trong quá khứ của mình với chúng tôi, Dũ vẫn không nhớ rõ, ngày tháng đó anh đã sống như thế nào. Dũ tâm sự: “Ngày đó, chúng tôi thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Mà hễ có rượu vào là tôi và đám bạn lại gây sự, đánh nhau. Rồi những hình xăm lớn nhỏ dần xuất hiện trên cơ thể tôi chỉ vì muốn thể hiện mình là... đại ca giang hồ. Đến mức, vào thời đó, cứ nghe tên tôi thì người dân nơi đây ai cũng sợ. Cho đến khi tôi phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng, thì tôi mới thật sự tỉnh ngộ...”.
Sau hai lần ngồi tù, Đồng Trọng Dũ đã hoàn lương nhờ điểm tựa gia đình.
Khoảng đầu năm 2000, như thường lệ, trong một cuộc nhậu, Dũ và đàn em lời qua tiếng lại với nhóm khác và giải quyết bằng việc đánh nhau. Người dân địa phương đã trình báo sự việc với công an. Dũ bị bắt về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Cùng với những “thành tích bất hảo”, Dũ bị phạt mức án 2 năm tù.
Dũ chia sẻ: “Những ngày ở tù, tôi mới hiểu được sai lầm mà mình đã gây ra. Tôi đã quá bồng bột nên đánh mất luôn tương lai của mình. Đặt biệt là vào những ngày lễ, Tết, tôi lại càng cảm thấy hối hận và mong muốn tự do. Chưa bao giờ tôi thèm được đón Tết cùng với những người thân yêu của mình như thời gian đó”.
Đầu năm 2002, khi đã chấp hành xong bản án, Dũ được trở về với gia đình. Khó có thể tả được niềm vui sướng của người thanh niên này khi được sống tự do. Vậy mà, như một gáo nước lạnh tạt vào sự cố gắng cũng như mơ ước của Dũ, gia đình vốn không êm ấm nay cũng không chào đón khi anh trở về. Mọi người xung quanh thì nhìn anh với ánh mắt dè chừng, lại thêm việc Dũ không có trình độ nên không ai chịu nhận anh làm việc.
Chính thời điểm này, Dũ đã không làm chủ được bản thân, anh bị đám bạn bè xấu rủ rê và dần quay trở lại con đường cũ. Thậm chí, anh còn sử dụng cả ma túy. Một ngày cuối năm 2002, Dũ bị bắt một lần nữa.
Gia đình nhỏ cứu rỗi cuộc đời
Có lẽ ít ai biết rằng, dấu mốc cho sự “trở về”, làm lại cuộc đời của Dũ, lại chính là khi anh có gia đình nhỏ. Không giấu được sự xúc động, anh nói: “Thời gian ở tù, tôi không chỉ bị bản án lương tâm giằng xé mà còn chịu sự hành hạ thể xác do ma túy gây ra. Được sự động viên của cán bộ trại giam, tôi quyết tâm cai nghiện ma túy để mong sớm có ngày về, sửa chữa lại những tháng ngày lầm lỗi, làm lại cuộc đời. Nhờ cải tạo tốt nên tôi được ra tù sớm”.
Mặc dù vậy, nhưng khi trở về địa phương chỉ có hai bàn tay trắng, nhìn thấy bạn bè ngày xưa giờ đã có nghề nghiệp ổn định, có vợ con với cuộc sống gia đình êm ấm, Dũ chỉ biết thở dài. Giữa lúc chẳng biết bấu víu vào đâu, ranh giới giữa tốt – xấu, thiện – ác trong Dũ vẫn còn khá mờ mịt, thì anh được anh Lê Hoàng Tuấn Kiệt (44 tuổi, trú thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa), chủ một trạm trung chuyển hàng hóa nhận vào làm việc.
Có công việc trong tay, hơn thế là có một người anh, người chủ tốt bụng luôn quan tâm và động viên nên Dũ đã dần “hòa nhập” với cuộc sống thường ngày. Rồi Dũ được một cô gái cùng quê thương yêu và đồng ý ở bên, giúp anh làm lại cuộc đời.
Chia sẻ với chúng tôi, Dũ cười hạnh phúc: “Hiện tại vợ chồng tôi đã có đứa con gần 1 tuổi. Hằng ngày, công việc của tôi là bốc xếp hàng hóa rồi đi giao hàng cho tiểu thương tại chợ. Có thể nói, tôi rất may mắn khi được anh Kiệt tin tưởng, giao việc cho để làm”.
Dù công việc còn vất vả, nhưng để không phụ lòng người đã cưu mang, giúp đỡ cũng như gia đình nhỏ của mình, Dũ tự hứa sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nói về người nhân viên đặc biệt của mình, anh Kiệt chia sẻ: “Khi nhận Dũ vào làm, những người dân trong vùng cũng khuyên can tôi bởi ai cũng biết Dũ là một tay anh chị có số má. Nhưng nhận thấy khát khao được đi làm, được làm lại cuộc đời của Dũ, tôi quyết định thử. Và cho đến hôm nay, với những gì Dũ đang có, tôi biết rằng quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn. Tôi cảm thấy mừng cho em!”.
Với mức lương từ 4 – 4,5 triệu đồng/tháng, Dũ đã tự nuôi sống được bản thân và trở thành trụ cột vững chắc cho gia đình nhỏ của mình. “Trước mắt là ổn định cuộc sống, lo cho vợ con những nhu cầu thiết yếu nhất. Sau này khi có điều kiện mình sẽ vào Nam làm ăn, trong đó có mấy người bà con cũng đang kinh doanh tốt. Vào đó, hy vọng mọi thứ sẽ thuận lợi, kiếm được ít tiền để lo cho gia đình tươm tất hơn hiện tại. Tôi muốn để cha mẹ nở mày, nở mặt khi nhìn thấy con trai đã thực sự trưởng thành”, Dũ tâm sự.
Chia tay chúng tôi, Dũ lại tất bật với công việc giao hàng ở chợ. Quệt vội giọt mồ hôi, chúng tôi thấy những hình xăm vẫn chằng chịt trên cánh tay anh. Có lẽ, đối với người thanh niên này, dấu vết xăm trổ sẽ là một lời nhắc nhở về quá khứ “đen” mà anh không bao giờ muốn quay lại. Quan trọng hơn hết, hình xăm hiện hữu trên con người đã từng hai lần vào tù ra tội như lời khẳng định: Trọng Dũ giang hồ ngày xưa nay đã hoàn lương.
Nguyễn Hưng (Đời sống & pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.