Tổ ấm “tròn” của tôi

Chủ nhật, ngày 10/03/2013 17:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng ven Hà Nội, mẹ bỏ ruộng để đi bán hàng rong, cha là thương binh quanh năm đau ốm, nên từ nhỏ tôi đã tự rèn cho mình tính tự lập và luôn gắng học thật giỏi.
Bình luận 0

Tai họa ập đến năm tôi tròn 16 tuổi, khi giúp mẹ đạp xe đi đưa trứng thì bị xe tải lao vào. Tỉnh lại, biết mình chỉ còn một chân, tôi sốc nặng.

Rồi một ngày, khi vào bệnh viện khám, tôi gặp một cậu bé mù đang lần bước chân dọc hành lang bệnh viện. "Mình mất chân thì có thể dùng chân giả còn cậu ấy thì chẳng thể nhìn được cuộc sống" - tôi như bừng tỉnh, để trở lại trường học. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Quản trị kinh doanh, tôi xin làm công nhân tại một nhà máy sản xuất đồ điện gần nhà. Tôi đăng ký làm ca chiều, còn buổi sáng với chiếc chân giả, tôi đạp xe gần 20 cây số tới Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật trên phố Khúc Hạo để luyện tập sức khỏe.

Chính tại đây tôi đã gặp một nửa khuyết còn lại của cuộc đời mình. Anh là một vận động viên khiếm thị có tấm lòng nhân hậu và ước mơ tha thiết, làm thế nào để giúp đỡ được những người cùng cảnh ngộ. Từ chỗ là những người bạn cùng luyện tập, giúp đỡ, động viên nhau, tình yêu của chúng tôi đã nảy nở. Biết được tình yêu ấy, cả hai gia đình không phản đối nhưng cũng chẳng ủng hộ, bởi đều thấm thía rằng, với một người không nhìn thấy, một người khuyết chân thì cuộc sống sẽ vô cùng vất vả.

Sau đám cưới đầm ấm, vợ chồng tôi đã nắm chặt tay nhau tự nhủ rằng, phải tự tin hướng về phía trước, tính kế làm ăn lâu dài. Sẵn nghề xoa bóp bấm huyệt mà anh từng được đào tạo, tôi bàn với chồng mở quán tẩm quất. Cơ sở tẩm quất của chúng tôi tại căn nhà 10m2, trong một con ngõ của phố cổ mà bố mẹ chồng cho với tên gọi "Tẩm quất người mù thật" để khẳng định sự nghiêm túc trước con mắt hoài nghi của không ít người. Khách đông dần lên, chồng tôi mời thêm những người cùng cảnh ngộ về làm. Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến ngày càng nhiều, chúng tôi mở thêm 4 cơ sở nữa, tạo công việc và thu nhập cho gần 30 người khiếm thị.

Giờ đây tôi đang có một mái ấm "tròn" tràn đầy hạnh phúc với người chồng khéo léo và hai con một trai, một gái xinh xắn, lành lặn, ngoan ngoãn. Tôi hạnh phúc và thầm cảm ơn những gì mình đang có...

Chị Vũ Hoài Thanh - phố Ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem