“Tổ chức bên ngoài” tài trợ cho Vinastas khảo sát nước mắm có bị xử lý?

Lê Chiên (thực hiện) Thứ tư, ngày 09/11/2016 18:32 PM (GMT+7)
Bộ Công Thương vừa có báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành khẳng định những vi phạm của Vinastas trong việc đưa thông tin sai lệch về khảo sát nước mắm. Vậy những vi phạm của Vinastas và những cá nhân bị xử lý thế nào? Người sản xuất nước mắm truyền thống bị thiệt hại có được bồi thường?
Bình luận 0

Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội) về vấn đề này.

img

- Vụ Vinastas công bố thông tin sai lệch về khảo sát nước mắm, theo luật sư, hành vi vi phạm của Vinastas sẽ bị xử lý thế nào?

Theo kết luận của Bộ Công Thương được thông tin trên báo chí thì Vinastas có rất nhiều sai phạm, trong đó có trách nhiệm của các cá nhân. Để khẳng định những sai phạm này bị xử lý thế nào, cần có nhiều thông tin, phải làm rõ vai trò, hành vi của các cá nhân trong vụ việc này. Trên cơ sở đó căn cứ vào Điều lệ, chức năng nhiệm vụ của Vinastas để xử lý về hành chính, tổ chức. Thậm chí nếu cơ quan Điều tra chứng minh được việc cá nhân nhận tiền tài trợ từ bên ngoài tham gia vào việc thông tin sai sự thật về việc nước mắm nhiễm asen thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” tại Điều 226 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi 2009.

Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính thì đã quá rõ. Khoản 12, Điều 5, Luật An toàn thực phẩm nghiêm cấm “ Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.”.

Việc thông tin nước mắm của Vinastas vừa qua đã vi phạm điều cấm này, do đó phải xử lý theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 27 Nghị định số: 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ. Theo đó cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và buộc thu hồi để tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm vi phạm.

- Theo thông tin do Vinastas cung cấp, hoạt động khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài. Vậy “tổ chức bên ngoài” đó có bị xử lý gì không?

Nếu “tổ chức bên ngoài”  đó là doanh nghiệp, bỏ tiền ra tài trợ nhằm mục đích triệt hạ đối thủ  thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 43, Luật cạnh tranh. Điều luật này nêu rõ: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”. Quy định xử phạt vi phạm đối với hành vi tại Điều này được hướng dẫn bởi Điều 31 Nghị định 71/2014/NĐ-CP, theo đó doanh nghiệp này có thể bị phạt tới 150.000.000 đồng.

- Sau khi Vinastas công bố thông tin sai lệch về khảo sát nước mắm, rất nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống bị hủy hợp đồng, không bán được hàng. Vậy họ có được bổi thường thiệt hại?

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 604, Bộ luật Dân sự. Điều luật này quy định: Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Căn cứ vào quy định trên, nếu chứng minh được thiệt hại, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống hoàn toàn có quyền yêu cầu Vinastas bồi thường thiệt hại. Các khoản  bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 608 BLDS

Trước tiên tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống và Vinastas cần ngồi lại với nhau để thương lượng, thỏa thuận về mức bồi thường. Trường hợp việc thương lượng, thỏa thuận không thành thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống có quyền khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.

Cảm ơn luật sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem