Theo Tổ chức Động vật Châu Á, hằng năm, cứ vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, hàng ngàn người dân lại tập trung về thôn Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh để tham dự Lễ hội Chém lợn.
Trong đó, những con lợn khỏe mạnh được chọn ra làm vật hiến tế, sẽ bị chém ra làm đôi trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em.
Lễ hội này thu hút sự chú ý của hàng ngàn người dân, bao gồm rất nhiều trẻ em, từ các xã xung quanh tập trung tại địa điểm này để quết máu lợn lên tiền rồi mang về nhà với niềm tin rằng điều đó sẽ mang lại may mắn cho họ cả năm.
Lễ hội Chém lợn tại Bắc Ninh. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á
Theo Tổ chức Động vật Châu Á, hoạt động phản cảm này đang gây ra không ít những tác động tiêu cực về nhiều mặt. Những tác động tiêu cực này bao gồm những ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động tới kinh tế xã hội, cụ thể ở đây là tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Thông cáo của Tổ chức Động vật Châu Á cho hay, việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng”.
Lễ hội này còn gây ra sự chịu đựng không cần thiết cho động vật – trái ngược với suy nghĩ của chúng ta, động vật cũng cảm nhận được sự đau đớn.
Theo Tổ chức Động vật Châu Á, việc tiếp diễn lễ hội này gửi đi một thông điệp rằng động vật chỉ được coi như những đồ vật không đáng được tôn trọng thay vì là những sinh mệnh sống và liệu rằng việc giết những con vật theo một cách thức nhẫn tâm để khởi đầu cho một năm mới có nên được tiếp tục cho phép?
Ngoài ra, lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hóa của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ sau. Hành động chém giết lợn trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em hoàn toàn trái ngược với truyền thống đạo lý của người Việt Nam.
Người Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo và đó là truyền thống đẹp, cần được phát huy. Những lễ hội sử dụng động vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này, đang làm phai mờ đi truyền thống tốt đẹp đó của người Việt Nam.
Ngoài những ảnh hướng đối với tâm lý những chứng kiến, những hành vi đối với động vật này còn có tác động xấu tới kinh tế xã hội. Ngày càng có nhiều khách du lịch sau khi nghe hoặc chứng kiến lễ hội này, không ủng hộ những lễ hội như thế này, và thể hiện nhiều cảm xúc tiêu cực thay vì hài lòng với những cảnh đẹp và sự than thiện của con người Việt Nam.
Trong lần trò chuyện với phóng viên năm 2013, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng những “người ngoài” thấy lễ hội đâm, chém động vật rất dã man, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng người dân của làng nghĩ đó đó là việc tâm linh, tế thần lấy may mắn. Do đó, không thể ngăn cấm người dân tổ chức lễ hội, quyền tiến hành văn hóa là của người dân.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, vấn đề nằm ở cách nhìn của “người ngoài”, nếu duy trì trong cộng đồng làng xã cũng chẳng phương hại đến ai. Do vậy, nên thu hẹp lễ trong cộng đồng, không mở rộng ra khỏi làng, xã. Lễ hội chém lợn sẽ là nội bộ của người trong làng, người ngoài làng và trẻ em sẽ không được tham gia lễ hội.
Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) do Tiến sỹ Jill Robinson MBE sáng lập vào năm 1998 với nỗ lực hoạt động vì cuộc sống của các loài động vật hoang dã, động vật nuôi trong nhà cũng như các loài động vật bị đe dọa trong khu vực.
Tổ chức Động vật Châu Á là một tổ chức từ thiện đăng ký với chính phủ, có trụ sở tại Hồng Kông, văn phòng đại diện tại nhiều nước như Anh, Mỹ, Đức, Ý, Úc và hai Trung tâm cứu hộ Gấu tại Việt Nam và Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.