Vừa qua, Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt lễ hội Chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội. Sau đó, nhiều luồng dư luận trong nước lên tiếng phản đối tổ chức lễ hội này.
Tuy nhiên, ngày 24.2.2015 (mùng 6 tháng Giêng), lễ hội Chém lợn làng Ném Thượng vẫn diễn ra với nghi lễ chém lợn giữa sân đình.
Lễ hội Chém lợn làng Ném Thượng vẫn diễn ra với nghi lễ chém lợn giữa sân đình
Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á - ông Nguyễn Tam Thanh (cán bộ Phúc lợi Động vật) bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi rất thất vọng khi Ban tổ chức lễ hội truyền thống làng Ném Thượng vẫn quyết định tổ chức phần nghi lễ chém lợn. Trong khi, đề xuất xóa bỏ phần nghi lễ này của chúng tôi đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số cộng đồng (79% trong tổng số trên 40.000 người được hỏi)”.
Việc giết những con lợn một cách dã man như vừa xảy ra không chỉ gây đau đớn cho bản thân những con vật mà còn gây đau đớn và làm trơ lì cảm xúc của những người chứng kiến và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam
Thưa ông, giải thích về việc vẫn tổ chức lễ hội, một cụ già trong làng Ném Thượng cho rằng lễ hội chém lợn “không vi phạm bất cứ điều luật nào và phải do dân làng quyết định”, bởi vậy dân làng vẫn tổ chức lễ hội vào năm nay để “gìn giữ phong tục truyền thống của tổ tiên”. Ông nghĩ sao?
“Ý kiến cho rằng lễ hội Chém lợn “không vi phạm bất cứ điều luật nào” là hoàn toàn đúng và nó cho thấy rằng Việt Nam đang còn thiếu những quy định, pháp luật về phúc lợi động vật”.
Ông Nguyễn Tam Thanh, Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á
Lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hóa của dân tộc, để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ sau. Trong khi đó, hành động chém giết lợn trước sự chứng kiến của nhiều người hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hóa sống của con người.
“Văn hóa” và “Truyền thống” thường được đưa ra làm lời biện hộ cho những hoạt động tàn bạo đối với động vật này. Nhưng ngay cả văn hóa, truyền thống cũng thay đổi và tiến hóa theo thời gian, những nét đẹp, những gì phù hợp với xu hướng, với xã hội mới sẽ được duy trì và những cái không còn phù hợp, những điều hủ tục sẽ thay được đổi và loại bỏ.
Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á - ông Nguyễn Tam Thanh cho rằng, Việt Nam đang còn thiếu những quy định, pháp luật về phúc lợi động vật
Ngày 24.2, ông đã chứng kiến lễ hội Chém lợn tại Bắc Ninh. Ông thấy Lễ hội năm nay có gì thay đổi thế nào? Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi đó?
Lễ hội chém lợn năm nay, mặc dù thu hút được số lượng người đến theo dõi nhiều hơn năm ngoái nhưng chúng tôi nhận thấy, cũng có những thay đổi tích cực. Đó là việc không còn nhiều người dân chen lấn nhau để quết tiền vào máu lợn và mang về thờ cúng với niềm tin sẽ mang lại may mắn cho cả năm.
Điều này cho thấy, ban tổ chức lễ hội đã tiếp thu những ý kiến đóng góp để lễ hội văn minh hơn. Nhưng theo chúng tôi, lễ hội này sẽ càng đẹp và hoàn thiện hơn nếu loại bỏ phần nghi lễ chém lợn hoặc thay thế bằng hình thức tế lễ khác nhân văn hơn, thay vì sử dụng động vật hiến tế theo cách thức tàn bạo như vừa rồi.
Có ý kiến góp ý rằng: "Thời gian trôi đi, quan niệm về văn hóa và tâm linh của người làng Ném Thượng có thể sẽ khác; làng Ném Thượng có thể rồi cũng sẽ bị đô thị hóa - khi đó lễ hội Chém lợn sẽ tự mất đi hoặc có thể sẽ diễn ra theo cách khác. Nhưng đó chỉ có thể là một quá trình tự nhiên do chủ thể văn hóa quyết định, người ngoài không thể ép họ thay đổi dù nhân danh bất cứ thứ gì". Ông có thể nói gì về góp ý này?
Hành động chém giết lợn trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hóa sống của con người.
Người Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo và đó là truyền thống đẹp, cần được phát huy.
Những lễ hội sử dụng động vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này, đang làm phai mờ đi truyền thống tốt đẹp đó của người Việt Nam. Người dân làng Ném Thượng cũng là một phần của toàn thể xã hội, cộng đồng người Việt trên toàn đất nước.
Thực tế cho thấy đa số người dân trong cộng đồng không ủng hộ tiếp tục tổ chức nghi lễ Chém lợn này và ban tổ chức và người dân làng Ném Thượng nên tôn trọng điều đó. Ngoài ra, lễ hội này còn có nhiều tác động tiêu cực tới toàn thể xã hội và đã đến lúc thay đổi.
Thời gian tới Tổ chức động vật châu Á còn kêu gọi chấm dứt nghi lễ chém lợn nữa không, thưa ông?
Đối với cộng đồng nói chung, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi mọi người cùng lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ lễ hội tàn bạo này bởi những tác động tiêu cực của nó tới toàn xã hội. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kêu gọi các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá lại những lễ hội này và tác động của chúng tới toàn xã hội.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là tại địa phương nơi diễn ra lễ hội nhằm thay đổi quan điểm của người dân trong việc coi động vật làm công cụ mua vui cho con người.
Ý kiến cho rằng lễ hội chém lợn “không vi phạm bất cứ điều luật nào” là hoàn toàn đúng và nó cho thấy rằng Việt Nam đang còn thiếu những quy định, pháp luật về phúc lợi động vật.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.