Tơ tằm Vọng Nguyệt – Ký ức ngàn năm vọng về

Tiến Đạt Thứ hai, ngày 19/01/2015 07:00 AM (GMT+7)
Vọng Nguyệt (Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh) là ngôi làng nhỏ bên tả ngạn con sông Cầu hiền hòa chở che từ ngàn năm, nơi khởi sinh ra tơ tằm lâu đời bậc nhất xứ Kinh Bắc vang danh khắp vùng.
Bình luận 0
Suốt chiều dài nghìn năm lịch sử rạng danh với nghề se tơ dệt lụa, Vọng Nguyệt đã đi vào ký ức và hoài niệm của bao nhiêu thế hệ yêu mến tơ tằm, gấm vóc. Con người Vọng Nguyệt  tao nhã hiền hòa, sớm khuya cần mẫn bên nong dâu, kén tằm để se lên những tấm lụa làm đẹp cho đời đã đi vào sử sách.

Người Vọng Nguyệt vẫn kể cho nhau nghe lịch sử về làng, rằng ngày xưa mảnh đất này có tên là Ngột Nhì. Có người đàn ông họ Chu đến khẩn hoang lập làng, gây dựng cơ nghiệp đầu tiên nên người dân coi đây là Tổ làng. Sau khi người họ Chu này qua đời, được an táng ở đồng Đống Tranh, nhìn xuống ao hình bán nguyệt từ đó dân làng đặt tên là Vọng Nguyệt. Vọng Nguyệt nghĩa là trông trăng, là đẹp mơ mộng và thanh bình. Đến nay người dân vẫn giữ tên Vọng Nguyệt để luôn nhớ về quá khứ và nhớ đến công lao của Tổ làng.

Vọng Nguyệt từng vang danh khắp vùng với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Xuôi đồng bằng châu thổ hay ngược về xứ Tây Bắc xa xôi, đâu đâu cũng biết đến Vọng Nguyệt với câu ca:

"Dù ai buôn Sở bán Tần/ Không bằng Vọng Nguyệt chuyên cần ươm tơ"

Nghề nông tang Vọng Nguyệt đã có khoảng 1000 năm nay. Không ai nhớ tổ nghề của làng là ai, chỉ có câu chuyện lưu truyền trong dân gian được các cụ vẫn truyền đời kể cho cháu con nghe rằng mảnh đất này xưa tương truyền rằng được triều đình giao cho nhiệm vụ ươm tơ để dệt vải cho nhà vua và hậu cung. Khi ấy các dòng họ lớn: Nguyễn Hữu, Chu, Ngô Quý, Ngô Xuân... đã cùng nhau sống chan hoà, trai thì cầy cuốc làm ruộng, gái đảm đang trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải.

Người nơi khác thường nói rằng Vọng Nguyệt được thiên nhiên ưu ái  ban tặng cho vị trí đẹp, với những cánh đồng đỏ phù sa cho nương dâu bốn mùa tươi tốt. Còn người Vọng Nguyệt như có duyên với nghề nông tang, khi nuôi tằm thì cho nhiều kén, mỗi nong kén lại kéo được rất nhiều tơ. Cùng với sự cần mẫn, khéo léo và yêu nghề người Vọng Nguyệt đã không phụ lòng triều đình khi tạo ra những sợi tơ tằm óng ả, suôn mềm, bền, dai và chắc chắn dệt nên những tấm hoàng bào, quốc phục và gấm vóc, lụa là sang trọng quyền quý được chốn cung đình ưa chuộng. Thời kỳ hoàng kim với nghề này đã mang đến sự phồn thịnh cho người dân trong một thời gian dài.

img
Tơ tằm Vọng Nguyệt (Nguồn: Internet)

Có một thời Vọng Nguyệt là một trong những ngôi làng sầm uất và huyên náo bậc nhất bên dòng sông Cầu bởi việc giao thương, bán mua tơ tằm luôn tấp nập người ra kẻ vào. Tơ tằm Vọng Nguyệt được ưa chuộng chốn cung đình, vang danh chốn Kinh thành nên các thương lái khắp nơi đổ về đặt hàng, người dân sản xuất không kịp cho tiêu thụ. Nhờ đó mà đời sống ngôi làng nhỏ bên bờ con sông Cầu đã phồn thịnh và no đủ trong vài thế kỷ.   

Nhưng trải qua cuộc chiến binh lửa, Vọng Nguyệt cũng bị ảnh hưởng sâu sắc từ binh biến của  thời cuộc nên đã bị mai một rất nhiều có những lúc tưởng chừng như rơi vào quên lãng. Khi hòa bình lập lại, thập niên 80 của thế kỷ trước, những nghệ nhân đã sống gần hết đời người vẫn luôn đau đáu với nghề cũ, nhớ tiếng quay tơ, nhớ âm thanh kẽo kẹt, nhớ  nong kén tơ tằm, nhớ bãi bồi nương dâu nên đã họp nhau làm sống lại nghề nông tang của làng.

Với sự cần mẫn vốn có, với sự khéo léo trời phú, tơ tằm Vọng Nguyệt làm ra óng ả, suôn mềm và giữ được bản sắc như hàng trăm năm trước nên tiếng lành đồn xa các thương lái bắt đầu kéo đến mua. Cùng với quyết tâm giữ nghề của lớp trẻ, sản phẩm làm ra đã tìm được thị trường, nhiều hộ gia đình đã học hỏi làm theo. Từ đó cả làng đã rộ lên phong trào trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo kén. Vào thời điểm đó, nhà nhà, người người tập trung sản xuất trong bầu không khí vui như trẩy hội. Mọi người đều phối hợp rất nhịp nhàng thiếu nữ, cụ già miệt mài quay tơ bên bếp lửa hồng, còn những chàng trai khoẻ mạnh thì toả đi khắp nơi như Bắc Giang, Vĩnh Phúc... mua tơ, mua kén. Lòng người phấn khởi, niềm vui chan hoà theo tiếng quay tơ kẽo kẹt. Âm thanh mộc mạc và quen thuộc của làng quê bình yên lại vang lên sau gần nửa thế kỷ vắng bóng khiến các cụ già trong làng mừng vui vô cùng và tràn đầy hy vọng.

Người xưa ở Vọng Nguyệt có phường kén thì nay Vọng Nguyệt có hội dâu tằm. Mỗi năm, người Vọng Nguyệt sản xuất ra 60 -70 tấn tơ, gần 10% sản lượng tơ của cả nước. Ở Vọng Nguyệt đa dạng các chủng loại tơ, từ tơ máy cao cấp, đến tơ máy mi ni, tơ thủ công cải tiến, tơ vải kéo tay, tơ gốc, tơ xe…

Mỗi một năm 10 tháng, trẩy hội vui xuân thoải mái đến cuối tháng 2 âm lịch hàng năm, các gia đình sẽ sửa soạn đồ nghề máy quay, bếp lò, than đốt, để chuẩn bị bắt tay vào một mùa kéo tơ mới. Từ các cụ già đến những em nhỏ khắp đầu làng cuối xóm nhộn nhịp kéo kén ươm tơ, cứ như làng vào hội. Người Vọng Nguyệt vô tư và bình thản , lãi cũng vui mà lỗ cũng cười xòa. Lãi thì dành vốn cho vụ mùa năm sau, lỗ thì cùng ngồi lại tính toán tìm cách kéo lại. Ở đâu có kén tốt, kén đẹp thì cả phường cùng báo nhau đi mua, ở đâu có mối bỏ hàng lớn thì báo nhau đến chào. Người Vọng Nguyệt trọng nghĩa, trọng tình hào sảng và cởi mở, họ không giấu nghề, giấu nghiệp đó là nét đẹp trong thương mại của làng Vọng Nguyệt.   

Giờ đây trước những đổi thay của thời vận, tơ tằm Vọng Nguyệt cũng khó tránh khỏi những lao đao, nhưng dẫu khó khăn thiếu thốn trăm bề, người Vọng Nguyệt vẫn cố bám trụ với nghề cổ xưa như cách họ trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử về làng.

Vọng Nguyệt còn nổi tiếng là “Làng khoa bảng” bên sông Cầu. Ở làng, có con cháu nhà ông Ngô Sử Toàn với bà Chu Thị Bột có 5 đời đỗ khoa bảng (tiến sĩ), đều có người ra làm quan trong triều phò vua, giúp nước, thương dân. Nhà sử học Phan Huy Chú phải ca ngợi trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”: Làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô kể từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng đời Hồng Đức rồi năm đời đỗ tiến sĩ liên tiếp thực là xưa nay hiếm có”. Nhà thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt đã được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng để gìn giữ một truyền thống nhân ái và hiếu học cho muôn đời sau.

Khoa nhâm thìn 1532, dưới thời Mạc Đăng Doanh, hậu duệ của Đô úy Chu Đình Dự đỗ tiến sĩ là Chu Địch Huấn. Ông làm quan dưới triều Mạc đến hộ bộ thượng thư, tước Thiêm xuyên hầu. Sang thế kỷ XVIII, Nguyễn Duy Thức đỗ tiến sĩ khi thi Hội ông đỗ đầu khoa Quý mùi 1763 dưới thời lê Hiển Tôn, năm ông 30 tuổi. Ông là người văn võ song toàn.

Sau thế kỷ XIX, dưới thời vua Tự Đức trong dòng họ Ngô Quang có ông Ngô Quang Diệu đỗ phó bảng khoa Kỷ Dậu 1849. Ông làm quan đến hàn lâm viện. Từ Ngô Như Ngọc đỗ tiến sĩ khai khoa, đến ông là người đỗ đại khoa, Vọng Nguyệt cũng là làng có nhiều tiến sĩ nhất ở huyện Yên Phong.

Có thể nói Vọng Nguyệt là một trong số ít những làng quê Việt Nam vừa giỏi làm nghề, vừa giỏi chữ nghĩa. Dẫu ngàn đời mải miết bên khung cửu mưu sinh với cơm áo nhưng những người nông dân chân lấm tay bùn vẫn không quên nhắc nhở, dặn dò cháu con phải yêu chữ nghĩa như yêu nghề, họ truyền cảm hứng hiếu học cho những thế hệ sau.

Dọc theo triền đê, dòng sông Cầu hiền hoà vẫn ngày đêm sóng vỗ, như mạch nguồn bồi đắp phù sa cho những nương dâu rì rào, xanh biếc, như truyền thống khoa bảng của làng sẽ chảy mãi không thôi. Người Vọng Nguyệt tự nhủ với nhau rằng bao giờ nước sông Cầu còn chảy, người làng vẫn cố bám trụ với nghề nông tang cho dù cuộc đời nương dâu bãi bể và nhất định khốn khó đến đâu cũng phải bảo con cháu học hành để viết tiếp truyền thống  khoa bảng của làng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem