VKSND huyện Nhà Bè (TP.HCM) vừa kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND huyện này về vụ tranh chấp hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất giữa Công ty TNHH SX TM DV Hồng Việt và Công ty Cổ phần Conrock Australia.VN. Lý do: Tòa xác định nhầm… đối tượng tranh chấp. Về nội dung, VKSND cho rằng tòa cũng đánh giá sai chứng cứ trước khi ra phán quyết.
Tòa tưởng hai công ty là một
Theo đơn kiện của Công ty Hồng Việt, ngày 2-4-2012, công ty này ký hợp đồng với Công ty Conrock Australia.VN thuê lại mặt bằng kho tại huyện Nhà Bè trong thời gian năm năm. Nhưng quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Conrock Australia.VN đã không thanh toán tiền thuê theo thỏa thuận (tính đến khi khởi kiện nợ gần 3 tỉ đồng). Vì thế, Công ty Hồng Việt yêu cầu chấm dứt hợp đồng, trả lại mặt bằng và thanh toán toàn bộ số tiền thuê còn thiếu.
Sau khi thụ lý vụ án, TAND huyện đã phân công Thẩm phán H. trực tiếp giải quyết. Trong tất cả văn bản tố tụng như thông báo thụ lý, bản tự khai của nguyên đơn, các thông báo hòa giải, biên bản hòa giải, bút ký phiên tòa và bản án sơ thẩm ngày 31-7, Thẩm phán H. đều xác định đối tượng tranh chấp là hợp đồng thuê mặt bằng ký ngày 2-4-2012 và Công ty Conrock Australia.VN là bị đơn.
Trong khi đó, theo trình bày của Công ty Conrock Australia.VN, họ có ký hợp đồng với Công ty Hồng Việt nhưng là vào ngày 1-6-2012 và trong suốt quá trình tố tụng phía nguyên đơn không có yêu cầu tranh chấp hợp đồng này. Hai hợp đồng trên có nội dung và tên người đại diện ký giống nhau nhưng thực tế là hai pháp nhân khác nhau và thời điểm ký kết khác nhau. Vì thế công ty này cho rằng nếu tòa xác định họ là bị đơn thì đối tượng tranh chấp phải là hợp đồng ngày 1-6-2012 mới đúng.
Nhà xưởng của Công ty Conrock Australia.VN thuê mặt bằng tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: TT
Trong kháng nghị của mình, VKSND huyện Nhà Bè cho biết hợp đồng ngày 2-4-2014 được Công ty Hồng Việt ký với Công ty Cổ phần Conrork Australia. Công ty này có tên bằng tiếng nước ngoài là Conrork Australia Joint Stock Company, tên viết tắt là Conrork Australia JSC (có trụ sở tại 23 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP.HCM); đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 27-10-2011; mã số doanh nghiệp là 0311218794).
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Conrock Australia.VN có tên nước ngoài là Conrork Australia.VN, tên viết tắt là Conrork Australia.VN corp (có địa chỉ tại 105 Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10, TP.HCM)… Mặt khác, đối tượng tranh chấp là hợp đồng ký ngày 2-4-2012, tức là trước khi Công ty Cổ phần Conrock Australia.VN thành lập.
Tại bản kháng cáo ngày 12-8, Công ty Conrock Australia.VN còn cho biết hiện Công ty Conrork Australia JSC đã giải thể, do vậy việc tòa xét hợp đồng ngày 2-4-2012 và buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ với bên khởi kiện là vô lý.
Hợp thức hóa bằng thông báo bổ sung
Hai ngày sau khi có kháng cáo (tức ngày 14-8), Thẩm phán H. đã ra thông báo sửa chữa, bổ sung bản án với nội dung: “Tại dòng 5 từ trên xuống trang 2, dòng 15 từ trên xuống trang 3, dòng 11 và 16 từ trên xuống trang 5 của bản án sơ thẩm ghi: Ngày 2-4-2012…, nay được sửa chữa bổ sung thành: Ngày 2-4-2012 và ngày 1-6-2012”.
Sau đó, ông Tạ Ngọc Thành, đại diện theo pháp luật của Công ty Conrock Australia.VN, đã đứng đơn tố cáo Thẩm phán H. về hành vi ra bản án trái pháp luật. Ông cho rằng việc thẩm phán tự ý “kéo” thêm hợp đồng ngày 1-6-2012 vào bản án chính là hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án. Vì từ đầu đến cuối tòa đã xác định nhầm bị đơn, nhầm đối tượng tranh chấp, khi phát hiện ra thay vì kiến nghị cấp trên hủy án thì lại hợp thức hóa bằng một hành vi sai phạm khác.
Việc Thẩm phán H. tự ý đưa hợp đồng ngày 1-6-2012 vào bản án là không phù hợp với thực tế vụ án vì theo nguyên tắc pháp lý, thông báo bổ sung trên là một bộ phận của bản án sơ thẩm. Tòa chỉ bổ sung mấy chữ nhưng lại làm thay đổi toàn bộ nội dung bản án vì trong vụ này nội dung tranh chấp phụ thuộc vào hợp đồng...
Hiện đơn tố cáo của ông Thành đã được TAND TP.HCM thụ lý (có biên nhận ngày 15-9) và đang trong quá trình giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, kiểm sát viên trực tiếp thụ lý vụ án (đề nghị không nêu tên) cho rằng sau khi có kháng nghị, VKSND huyện cũng đã nhận được thông báo bổ sung này. VKSND sẽ có ý kiến riêng bằng văn bản gửi cho lãnh đạo TAND huyện. Riêng việc tòa xác định nhầm đối tượng tranh chấp thì VKSND đã phân tích trong kháng nghị, đây là lỗi thuộc trường hợp cần phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Lý giải về việc tại sao tại phiên tòa VKSND không đề cập đến sự nhầm lẫn này, kiểm sát viên cho rằng lúc đó chưa phát hiện, quá trình kiểm sát bản án sau đó mới thấy. “Nếu phát hiện lúc vụ án chưa được đưa ra xét xử thì VKSND đã có phản ứng rồi” - kiểm sát viên này nói.
Đại diện Công ty Conrock Australia.VN cũng cho biết từ đầu họ cũng không phát hiện ra sự nhầm lẫn, thấy tòa gửi thông báo đích danh tên, địa chỉ công ty thì lên tòa. Trong khi đó, hai hợp đồng trên lại giống nhau y chang về nội dung, chỉ khác ngày ký và tên công ty đã thay đổi, đến khi tòa xử xong mới biết.
Cấp phúc thẩm sẽ xem xét
Ngày 19-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo TAND huyện Nhà Bè cho biết do vụ án đã được chuyển lên TAND TP.HCM (vì VKSND cùng cấp kháng nghị, bị đơn kháng cáo). Vì vậy, vị này không thể trả lời cụ thể các câu hỏi vì không có hồ sơ vụ án trong tay. “Các vấn đề liên quan đến việc thẩm phán xác định nhầm bị đơn và ra thông báo bổ sung bản án như đã nói sẽ do tòa cấp phúc thẩm xem xét và đánh giá theo thẩm quyền xem có hợp pháp hay không…” - vị này nói.
|
Song Nguyễn (Pháp luật TPHCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.