Tội phạm phá hoại sản xuất ngày càng manh động

Thứ ba, ngày 19/03/2013 10:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên quan việc ở một số vùng nông thôn trong cả nước xảy ra nạn phá hoại sản xuất, làm mất an ninh trật tự, bất bình trong nhân dân, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại tá Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an).
Bình luận 0

Thời gian qua ở nhiều vùng quê trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ hủy hoại tài sản, phá hoại sản xuất của nông dân gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, tạo ra tâm lý bất an cho người nông dân. Ông đánh giá thế nào về loại tội phạm này?

- Tôi cho rằng loại tội phạm này trong thời gian tới có chiều hướng gia tăng, bởi lẽ hiện chúng ta đang hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh rất cao. Việc cạnh tranh giữa các hộ sản xuất với nhau, giữa các doanh nghiệp với nhau một cách thiếu lành mạnh chính là nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn, dẫn tới việc những đối tượng xấu nghĩ cách trả thù. Các hành vi ở đây là nhằm hủy hoại tài sản, phá hoại kinh tế của nhau như đổ thuốc sâu vào ao cá, đầm tôm để tôm cá chết hàng loạt, đốt mía, chặt chân trâu bò...

Loại tội phạm này trước đây cũng đã xuất hiện nhưng không diễn biến nghiêm trọng, manh động và gia tăng nhanh như hiện nay. Thêm một nguyên nhân nữa là ở các vùng nông thôn, sự hiểu biết về pháp luật của một bộ phận cũng còn hạn chế nên khả năng gây ra các hành vi phạm pháp mà không lường trước hậu quả cũng cao hơn ở các khu vực khác.

img
Người dân ở Gia Lai tận thu diện tích mía bị kẻ gian đốt cháy.

Qua những vụ việc đã xảy ra, theo đánh giá của cơ quan công an thì có hay không tội phạm có tổ chức nhằm phá hoại sản xuất gây mất an ninh nông thôn?

- Theo đánh giá của chúng tôi, với những vụ việc xảy ra thời gian qua, chưa đủ căn cứ để cơ quan chức năng nhận định là tội phạm có tổ chức nhằm phá hoại sản xuất, gây mất an ninh nông thôn. Nếu là tội phạm có tổ chức, theo kinh nghiệm của chúng tôi, sẽ có các chương trình lớn nhằm phá hoại chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Ví dụ khi Nhà nước quy hoạch vùng này trồng cà phê, trồng mía hay chăn nuôi gia súc, mà có các đối tượng xấu đến đó tổ chức tìm cách triệt phá không cho làm thì mới gọi là tội phạm có tổ chức, hệ thống. Còn những vụ việc xảy ra vừa qua cho thấy, tất cả đều xuất phát từ mâu thuẫn nhất thời, như doanh nghiệp thu mua với bà con trồng mía, giữa người làm dịch vụ thuê máy cày liên hợp với nhau, hay mâu thuẫn nảy sinh từ những việc thường ngày trong cuộc sống, dẫn đến việc rắp tâm trả thù nhau.

Trước tình hình trên, cơ quan công an có giải pháp gì cũng như tham mưu thế nào cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh nông thôn, thưa Cục trưởng?

-Trước hết, lực lượng công an thông qua chính quyền cơ sở phải làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con nông dân. Thực tế cho thấy, nhiều người không hiểu luật pháp, tưởng làm như vậy để cho bõ tức nhưng không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý hình sự, phải ngồi tù. Thứ hai, trách nhiệm của công an cơ sở và chính quyền địa phương là phải nắm tình hình của bà con đang sản xuất, kinh doanh.

Khi thấy có biểu hiện mâu thuẫn trong dân cần phải giải quyết ngay, tránh để căng thẳng kéo dài dẫn tới việc manh động trả thù. Hành vi trả thù nhiều khi không chỉ đơn thuần là phá hoại kinh tế mà còn có thể gây ra án mạng. Người dân cũng phải nâng cao cảnh giác, có những biện pháp trông coi bảo vệ tài sản của mình. Đối với lực lượng công an các cấp, khi nhận được trình báo phải khẩn trương vào cuộc điều tra, tránh để sự việc kéo dài, hoặc không điều tra khiến pháp luật không được thực thi nghiêm minh tạo điều kiện cho những hành vi phạm pháp tương tự xảy ra. Đối với những vụ án kiểu này cần phải đưa ra xét xử điểm ngay tại nơi xảy ra. Như thế nó mới có tác động lớn để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Có thể bị phạt tù tới mức chung thân

Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, nếu tài sản gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Với hành vi làm hư hỏng tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là bị khởi tố, nếu tài sản gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về hành vi nhưng chưa được xóa án tích này, đều sẽ bị khởi tố. Tôi cho rằng, những vụ hủy hoại tài sản ở vùng nông thôn chỉ hạn chế và chấm dứt khi pháp luật được thực hiện nghiêm. Khi xảy ra vụ việc, công an và chính quyền phải vào cuộc khẩn trương. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân… phải phát huy vai trò của mình, thường xuyên quan tâm đến đời sống người nông dân, tổ chức sinh hoạt định kỳ, phổ biến giáo dục kiến thức xã hội, pháp luật cho mọi người, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem