Tôm lấp vụ chết trắng đồng

Thứ hai, ngày 13/08/2012 08:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ nuôi tôm sú 2012, tỉnh Trà Vinh đã bị thiệt hại hơn 10.000ha với tổng giá trị gần 800 tỷ đồng. Gần 1 tháng nay, nông dân tiếp tục thả lấp vụ mong gỡ lại phần thiệt hại trước đó nhưng đã bị mất trắng do tôm bị bệnh gan tụy.
Bình luận 0

Tiêu điều vùng tôm sú

Gia đình bà Nguyễn Thị Gập, ở ấp 4 (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) vừa mới thả 68.000 con tôm sú chưa đầy 1 tháng, giờ đều đã bị bệnh gan tụy. Con tôm cứ lờ đờ, kéo đàn, bỏ ăn, nên gia đình bà bỏ luôn ao tôm vì không còn cứu được.

Bà Gập cho biết: “Mới vụ rồi gia đình đã bị thất trắng nay vừa thả lại tôm lại bị bệnh. Bây giờ chúng tôi không cho ăn nữa để coi được con nào thì được, không thì thôi chứ hết cách trị rồi”.

img
Ông Quắn bên ao tôm bị thiệt hại do bệnh gan tụy .

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Quắn ở kế bên thả nuôi 2 ao thì cũng có 1 ao tôm xuất hiện bệnh gan. Đợt vừa rồi, gia đình ông bị thiệt hại hơn 60 triệu đồng do tôm chết hàng loạt. Rút kinh nghiệm từ đợt vừa rồi và theo khuyến cáo của các nhà khoa học, các ao tôm của gia đình ông Quắn đều được phơi ao rất kỹ và tuyệt đối không dùng chế phẩm Cypermethrin để diệt giáp xác.

Tuy nhiên, mới gần 1 tháng tuổi thì tôm lại xuất hiện bệnh gan. Ông Quắn buồn rầu: “Cả vùng này 10 ao thì bị bệnh hết 5 ao rồi, số ao còn lại cũng đang trong tầm ngắm của bệnh gan vì chỉ hơn tháng tuổi. Trong khi nhà khoa học chưa có biện pháp hữu hiệu để xử xý bệnh nên nông dân chúng tôi cũng đành bó tay mong kéo dài ngày nào hay ngày nấy”.

Theo ghi nhận của PV NTNN, vùng nuôi tôm nổi tiếng ở xã Mỹ Long Nam trước bây giờ tiêu điều, hiu quạnh. Nhiều chòi canh tôm lạnh vắng bóng người như con sông dài lạnh bóng úa cả mầm cây…Ông Phạm Văn Liêm – Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam cho biết: “Đến nay, nông dân đã thả tôm lấp vụ với diện tích khoảng 120ha, thống kê sơ bộ có 12ha bị thiệt hại hoàn toàn.

Đa số tôm trong giai đoạn gần 1 tháng tuổi xuất hiện bệnh gan tụy nên một số nông dân đã ngừng lại không tiếp tục thả nuôi. Từ đầu năm đến nay, toàn xã bị thiệt hại trên 585 ha với số lượng 133 triệu con giống. Nguồn thu từ tôm sú chiếm hơn 70% giá trị sản xuất của toàn xã nên năm nay thất mùa tôm sú thì thu nhập bình quân sẽ giảm đi rất nhiều…”.

img
Ông Quắn bên bọc thuốc đặc trị bệnh gan tụy, nhưng không có địa chỉ, số điện thoại của nhà nhập khẩu.

Đến vùng nuôi tôm sú ở ấp Bào (xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải) cũng chung cảnh tôm lấp vụ chết hàng loạt. Ao tôm của gia đình ông 4 Chiến là một trong số mấy chục hộ dân trong vùng còn sót lại. Hầu hết đều bị chết do bệnh gan tụy.

Tuy nhiên, gia đình ông Chiến nuôi 3 ao thì giờ chỉ còn 1 ao thu hoạch được 1,8 tấn tôm. Ông Chiến cho biết: “Đây là ao hiếm hoi còn sót lại trong vùng nhưng năm nay gia đình tôi cũng huề vốn vì giá tôm quá thấp. Tôm 30 con/kg giá chỉ 106.000 đồng, thấp hơn cùng kỳ năm rồi gần 70.000 đồng/kg nên còn tôm cũng không có lời như mấy năm trước”.

Loạn thuốc trị bệnh tôm

Hiện tại, tôm bị bệnh gan tụy, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh và thuốc đặc trị. Tuy nhiên, những vùng tôm bị bệnh đã xuất hiện loại thuốc đặc trị gan tụy cho tôm nhưng không rõ nguồn gốc. Gia đình ông Quắn vừa mua 2 bọc thuốc ANTI HB đặc trị gan cho tôm ghi trên bao bì một mặt bằng tiếng Anh, mặt còn lại ghi tiếng Việt có hướng dẫn sử dụng và nhà nhập khẩu là OCEAN AQUATECH SOLUTION LTD; CO. Sau khi đọc kỹ, cả ông Quắn cũng bất ngờ vì thông thường thuốc nhập khẩu có đơn vị nhập khẩu và địa chỉ, số điện thoại để có vấn đề gì liên hệ, còn đằng này không thấy thông tin gì cả.

Theo thống kê sơ bộ của Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi lấp vụ với diện tích hơn 5.886ha, thiệt hại hoàn toàn khoảng 10% và nông dân đã thu hoạch khoảng 3.000 tấn tôm non (khoảng 2 tháng tuổi). Diện tích thiệt hại đang tăng từng ngày do tôm trong giai đoạn trên dưới 1 tháng tuổi dễ bị bệnh gan tụy nhất.

Ông Quắn cũng cho biết: “Tên công ty mập mờ toàn bằng tiếng nước ngoài không biết đâu mà lần. Thấy lạ, nên tôi coi kỹ thuốc đề kháng cho tôm hiệu C MAX cũng không có tên nhà nhập khẩu và địa chỉ. Tuy nhiên, nông dân biết vậy cũng đành bấm bụng sử dụng nếu “may thầy, phước chủ” thì tôm sẽ khỏi bệnh chứ chẳng lẽ nhìn tôm bệnh chết dần, chết mòn…”. Ông Quắn phải trả 1 triệu đồng cho 2 bọc thuốc với trọng lượng 2kg nhưng không biết chất lượng sẽ như thế nào và sử dụng theo kiểu cầu may.

Ông Phạm Văn Liêm – Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam cho biết: “Địa phương phát hiện nhiều loại thuốc bệnh cho tôm không rõ nguồn gốc nhưng chỉ kiến nghị về trên để kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, rất nhiều loại thuốc đang tràn lan rất khó kiểm soát…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem