Bà Rịa-Vũng Tàu: Rõ khổ, con vật nuôi chủ lực tụt giá, đến một nông dân xuất sắc cũng kêu "hổng trụ nổi"

Thứ tư, ngày 26/06/2024 09:46 AM (GMT+7)
Ông Lê Trọng Nghĩa có 14 ao nuôi tôm công nghệ cao ở xã Lộc An (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Từng một thời nổi tiếng là nông dân xuất sắc trong nuôi tôm (năm 2019) nhưng năm nay ông Nghĩa cũng không trụ nổi khi giá tôm liên tục lao dốc kể từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay.
Bình luận 0

Giá tôm bán giảm mạnh khiến người nuôi tôm ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ phải “treo ao”, doanh nghiệp ngừng xuất khẩu tôm.

Giá tôm đã giảm 30%

Ông Lê Trọng Nghĩa có 14 ao nuôi tôm trên diện tích gần 5ha ở xã Lộc An (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Từng một thời nổi tiếng là nông dân xuất sắc trong nuôi tôm (năm 2019) nhưng năm nay ông Nghĩa cũng không trụ nổi khi giá tôm liên tục lao dốc kể từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay.

“Giá tôm đã giảm hơn 50.000-60.000 đồng/kg từ đầu năm đến nay, thời tiết lại khắc nghiệt, càng làm càng lỗ nên tôi treo ao, ngừng nuôi hơn 4 tháng rồi. Nay vào mùa mưa là vụ chính, tôi dự định gầy ao nuôi lại nhưng vẫn phập phồng vì giá chưa có dấu hiệu tăng lên”, ông Nghĩa cho biết.

HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP Bà Rịa) vừa thu hoạch bán khoảng 10 tấn tôm với giá 122.000 đồng/kg loại 35 con/kg, giảm 30% so với thời điểm Tết. Trong khi đó, giá thành nuôi tôm đã là 120.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX cho biết, năm nay khí hậu nắng nóng làm tôm chậm lớn và nhiều dịch bệnh.
HTX chỉ dám nuôi tôm với mật độ thưa 200-250 con/m2, nên năng suất chỉ bằng 50% so với thời điểm nuôi với mật độ dày 500 con/m2. Trong khi đó, chi phí đầu vào như điện, nước, phòng ngừa dịch bệnh tăng mạnh khiến giá thành từ 100.000 đồng/kg tăng lên 120.000 đồng/kg.

“Giá tôm giảm hàng ngày. Hôm qua còn 127.000 đồng/kg, hôm nay lại giảm thêm 5.000 đồng. Với giá bán tôm như này HTX đã không còn lãi, nếu giảm nữa sẽ lỗ”, ông Chuyên nói.

Tôm nuôi công nghệ cao ở Bà Rịa-Vũng Tàu toàn con to bự thế này thế mà giá giảm thê thảm, dân lo lắm- Ảnh 2.

Thu hoạch tôm ở HTX Quyết Thắng (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Ông Nguyễn Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến (xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho biết, do giá bán quá thấp nên dù đã tới thời điểm thu hoạch, HTX vẫn để thêm 10-15 ngày với hy vọng chờ giá tôm lên cao hơn.

Không chỉ các hộ nuôi và HTX bị ảnh hưởng, các DN xuất khẩu thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết, từ năm 2023 đến nay giá tôm liên tục xuống thấp trong khi giá cước tàu biển lại tăng đột biến từ 40-60%. 

“Rủi ro cao, tôm Việt Nam không cạnh tranh lại với tôm Indonesia, Ecuador do có giá bán thấp hơn nên năm nay công ty đã ngừng xuất khẩu tôm”, ông Dũng thông tin.

Theo Cục Thuỷ sản, Bộ NN-PTNT, diện tích nuôi tôm cả nước khoảng 737.000ha. Sản lượng tôm thu hoạch tính đến tháng 6/2024 đạt 372.000 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, diện tích nuôi tôm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 2.895ha với sản lượng 6 tháng đầu năm đạt khoảng 4.100 tấn. 

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia sản xuất tôm lớn nhất thế giới (cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador và Indonesia), xuất khẩu sang 103 thị trường với kim ngạch 1,3 tỷ USD 5 tháng đầu năm.

Còn nhiều thách thức chờ phía trước

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024 ngành tôm vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao, xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết. Người dân thắt chặt chi tiêu nên nhu cầu tiêu thụ tôm ở các thị trường chính đều sụt giảm.

Chẳng hạn, ở thị trường Mỹ, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 229 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chỉ tăng mạnh trong tháng 1, ngược lại tháng 2, tháng 4 và tháng 5 giảm mạnh. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc và Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm cũng giảm 9% và 4%.

“Đặc biệt, thị trường Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của các hộ nuôi nhỏ lẻ chúng tôi nhưng năm nay thị trường này cũng giảm tiêu thụ. 

Sau Tết, sản lượng họ mua cứ giảm dần, đến tháng 5 vừa qua càng giảm mạnh nên tôm trong nước mới dư thừa, giá bán tuộc dốc không phanh”, ông Phan Đức Đạt, nông dân nuôi tôm ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết.

Nhu cầu thị trường tôm trong năm nay đã giảm khoảng 30% từ sau Tết. Để đẩy mạnh tiêu thụ, HTX Quyết Thắng đã chào hàng vào hệ thống siêu thị, các công ty xuất khẩu lớn, chấp nhận giá bán thấp hơn 10-20.000 đồng/kg để giải quyết hàng tồn kho.

HTX cũng thay đổi chiến lược nuôi tôm, từ nuôi mật độ dày sang thưa để bảo đảm an toàn dịch bệnh và có ao ương giống riêng để giảm thời gian nuôi từ 3 tháng xuống 2 tháng/vụ. 

Thời gian nuôi ngắn hơn cũng giúp HTX chủ động hơn trong việc cắt lỗ khi giá bán giảm hoặc tăng cường nuôi khi giá bán cao.

“Số vụ nuôi trong năm cũng tăng từ 3 lên 5 vụ nhằm bù đắp sản lượng tôm bị giảm do nuôi mật độ thưa. 

Với sự chuyển đổi như thế, tôi kỳ vọng thị trường 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn, nhất là vào quý 4, khi các nước tăng lượng tôm mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm”, ông Chuyên chia sẻ.

Ngọc Minh (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem