Nhiều doanh nghiệp nội có dấu hiệu chuyển giá, điển hình như Sabeco
Tại Hội thảo quốc tế “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” do Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức tổ chức sáng 19.7, một vấn đề được đặt ra là tại Việt Nam, “chuyển giá” hiện đã trở thành một hoạt động phổ biến không chỉ với các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở cả các doanh nghiệp trong nước, hoạt động này còn được gọi là chuyển giá nội địa.
TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN)
Phát biểu tại Hội thảo, TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cho biết thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong đó có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.
“Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả các doanh nghiệp nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành”, TS. Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết thêm, hiện có một thực trạng là công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ, đúng với bản chất của nó nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.
Sabeco sản xuất và bán bia cho công ty con của mình, song công ty này không bán bia ngay cho người tiêu dùng mà bán qua công ty con khác do doanh nghiệp này chi phối với giá thấp (Ảnh minh họa)
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước), cho biết tại cuộc kiểm toán Sabeco năm 2015, KTNN đã phát hiện Sabeco có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt số tiền 408 tỷ đồng.
Cụ thể, Sabeco vừa thực hiện sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm bia. Sabeco sản xuất và bán bia cho công ty con của mình là các công ty thương mại Sabeco. Công ty này không bán bia ngay cho người tiêu dùng mà bán qua công ty con khác do doanh nghiệp này chi phối với giá thấp. Sau đó bia được bán lại cho công ty khu vực, đến đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3, đến nhà hàng… sau đó mới đến người tiêu dùng.
Tháng 11/2016, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh, kiểm tra, chống thất thu ngân sách Nhà nước với Cục thuế TPHCM. Trong đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cục thuế, Cục thuế TP.HCM truy thu hơn 2.479 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Báo cáo viết: "Đối với vi phạm về thuế TTĐB của Sabeco: Truy thu nộp bổ sung ngân sách Nhà nước số thuế TTĐB phát sinh tăng phát hiện qua thanh tra từ năm 2010 đến 2014 (do thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty Cổ phần Thương mại khu vực) của Sabeco là 2.479,021 tỷ đồng (đã trừ số kiến nghị truy thu năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước), đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục thuế, Cục thuế TPHCM thực hiện”.
|
Như vậy, theo quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BTC, khó xác đinh giá ở mốc thời điểm nào trong chuỗi bán hàng của Sabeco để tính thuế. KTNN kết luận Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco chứ không phải giá bán của Sabeco ra Công ty Thương mại Sabeco. Theo đó, Sabeco phải nộp thêm ngân sách hơn 408 tỷ đồng, sau đó Sabeco đã nộp đủ số thuế này.
Những vụ chuyển giá, né thuế khủng của các doanh nghiệp nước ngoài
KTNN cho biết thời gian qua cơ quan này đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.
Giai đoạn 2015-2017, có khoảng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền. Mặc dù kê khai lỗ liên tục, song nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất. Có những trường hợp nếu không được phát hiện và xử lý, số thuế thất thu đã có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình là Công ty Hualon Corporation Việt Nam. Đây là Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Malaysia, Đài Loan - British Virgin Island chuyên sản xuất sợi và dệt vải. Suốt gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Hualon liên tục báo lỗ. Tính đến hết năm 2010, số lỗ lũy kế của công ty tới hơn 1.000 tỷ đồng và Hualon chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù bị lỗ nhưng công ty vẫn mở rộng sản xuất liên tục.
Qua thanh tra, Tổng cục Thuế đã buộc công ty phải giảm toàn bộ số lỗ. Trong đó, cắt giảm số lỗ phát sinh giai đoạn 2006-2009 tới 621,1 tỷ đồng, giảm chuyển lỗ của giai đoạn trước năm 2006 vào giai đoạn 2006-2009 và giảm tiếp chuyển lỗ sang năm 2010 là 335,2 tỷ đồng. Kết quả, công ty Hualon có lãi lớn và tổng số thuế thu nhập bị truy thu lên tới 78,1 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện thanh tra năm 2014, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Một trường hợp khác là Metro Việt Nam, đơn vị này bắt đầu kinh doanh từ ngày 28.3.2002. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến 2013 đã kê khai lỗ với tổng số tiền 1.657 tỷ đồng và chỉ duy nhất 1 năm lãi 173 tỷ đồng. Mặc dù đã được thanh tra nhiều lần, song chỉ sau khi Metro công bố thương vụ bán hệ thống của mình tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan, với giá trị lên tới 879 triệu USD cách đây ít năm, gấp gần 3 lần tổng vốn đầu tư thì nghi vấn chuyển giá của tập đoàn này mới được đặt ra đối với các cơ quan chức năng. Sau khi thực hiện thanh tra năm 2014, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.