Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
Chiều 22.9, trong buổi họp báo kết thúc Đại hội ASOSAI 14, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021 đã dành thời gian chia sẻ về công nghệ viễn thám, cộng hưởng, những công nghệ mới được áp dụng trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Thừa nhận kiểm toán môi trường là một lĩnh vực mới đối với KTNN. Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2017, KTNN mới thực hiện 10 cuộc kiểm toán môi trường, tới năm 2018 là 8 cuộc kiểm toán môi trường.
“Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng quy trình về vấn đề kiểm toán môi trường và đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Đồng thời, lấy ý kiến các SAI để ban hành quy định, quy trình kiểm toán môi trường.
Còn với các cuộc kiểm toán được thực hiện lâu nay, chúng tôi căn cứ vào đặc điểm của cuộc kiểm toán để xây dựng đề cường kiểm toán. Qua Đại hội ASOSAI, các SAI thành viên sẽ tiếp tục tìm hiểu, tiếp thu kinh nghiệm, chia sẻ trong kiểm toán môi tường”, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc nói.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc và các đại biểu trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo kết thúc Đại hội ASOSAI 14
Đề cập tới việc áp dụng công nghệ mới trong các cuộc kiểm toán môi trường, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã chia sẻ về công nghệ viễn thám, một công nghệ mới được áp dụng trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Trước tiên, để kiểm toán môi trường chính xác nhất, phải đưa ra các tiêu chí về phát triển bền vững. Theo đó, những yếu tố môi trường như không khí, nước, rác thải, biến đổi khí hậu sẽ tác động thế nào tới phát triển bền vững.
“Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành kiểm toán 2 khu mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng ốp lát ở Hải Phòng. Tại đây, chúng tôi đã áp dụng công nghệ viễn thám và đo đạc lại, xác định được lượng đá đã khai thác cách đây nhiều năm. Từ đó, tìm ra lượng đá đã tiêu hao vào nhà máy xi măng, truy ra số thuế phải nộp cho Nhà nước và đánh giá tác động của hoạt động khai thác, sản xuất đối với môi trường”, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc hé lộ.
Ông Hồ Đức Phớc tiếp tục cung cấp thông tin, trong cuộc kiểm toán về tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2014 - 2016, KTNN đã phát hiện ra bất cập trong việc hồi tố thu hồi tiền sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản từ 1.7.2013 - 31.12.2013. Theo đó, cho tới khi Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, vẫn còn khoảng thời gian trống giữa Luật và Nghị định, dẫn tới giảm thu ngân sách theo Luật Khoáng sản là 2.835 tỷ đồng. Qua cuộc kiểm toán này, KTNN đã tiến hành truy thu về NSNN số tiền tương đối lớn.
Hoặc cuộc kiểm toán 2 khu mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng ốp lát ở Hải Phòng, KTNN đã kiến nghị thu về NSNN số tiền thuế là 560,6 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị địa phương xử lý khoản thất thu ngân sách ngoài phạm vi khu mỏ đá số tiền 1.177,9 tỷ đồng.
Còn theo bà Madinah Binti Mohamad, Tổng Kiểm toán Malaysia, các đơn vị kiểm toán nước này đã sử dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để lấy mẫu và phân tích trong kiểm toán môi trường.
Trong 10 năm, từ 2005 tới 2016, Kiểm toán Quốc gia Malaysia đã thực hiện hàng loạt các cuộc kiểm toán môi trường tập trung vào một số vấn đề như: Các hoạt động trên cao nguyên; quản lý rừng ngập mặn; quản lý môi trường biển; chương trình tài trợ cho công nghệ xanh; quản lý tài nguyên nước.
Từ kết quả của những hoạt động kiểm toán môi trường này, Kiểm toán Quốc gia Malaysia đã nêu bật những thiếu sót và các kiến nghị giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành của Chính phủ nước này trong suốt thời gian qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.