TP.HCM bắt đầu triển khai “giấc mơ” 1 triệu căn hộ giá rẻ

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 19/11/2021 11:20 AM (GMT+7)
TP.HCM đã bắt đầu triển khai “giấc mơ” 1 triệu căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội cho người lao động khi hàng loạt quận, huyện đã và đang gấp rút rà soát, đề xuất quỹ đất để thực hiện mục tiêu này…
Bình luận 0
Thành phố bắt tay vào triển khai “giấc mơ” 1 triệu căn hộ giá rẻ - Ảnh 1.

Loạt nhà ở tái định cư bỏ hoang ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ảnh: Quốc Hải

Mới đây, tại TP Thủ Đức, Công ty CP Thủ Thiêm Group đã bắt tay khởi công dự án nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân với quy mô 1.000 căn hộ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. 

Đây được xem là "phát pháo" đầu tiên của chính quyền TP.HCM trong việc thực hiện giấc mơ 1 triệu căn hộ giá rẻ, NƠXH cho công nhân mà thành phố đề ra sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4.

Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 2ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV/2024, đáp ứng nhu cầu sinh sống cho hơn 3.000 người.

Sẵn sàng quỹ đất

Không chỉ có dự án này, TP Thủ Đức cũng đã có báo cáo TP về quỹ đất để xây nhà ở lưu trú cho công nhân với ba vị trí.

Thứ nhất là khu đất tiếp giáp Khu công nghệ cao, diện tích 3,05ha tại phường Long Thạnh Mỹ. Thứ hai là khu đất thuộc dự án nhà ở và phục vụ chuyên gia tại Khu công nghệ cao, quy mô 42,39 ha, đáp ứng cho gần 42.000 công nhân, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.387 tỷ đồng.  Thứ ba, là khu đất thuộc dự án xây dựng và phát triển khu công viên Sài Gòn Silicon trong Khu công nghệ cao với quy mô 45,57ha, đáp ứng cho gần 35.000 công nhân, tổng mức đầu tư khoảng 2.231 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ban quản lý Khu công nghệ cao cũng cung cấp thêm thông tin về dự án đầu tư xây dựng NƠXH dành cho chuyên gia, công nhân làm việc trong Khu công nghệ cao với quy mô 20,17 ha tại phường Long Thạnh Mỹ.


Thành phố bắt tay vào triển khai “giấc mơ” 1 triệu căn hộ giá rẻ - Ảnh 2.

Công nhân trong khu trọ chật hẹp chỉ vài m2 - Ảnh: Uyên Phương

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, địa phương là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn với gần 200.000 công nhân, trong đó phần lớn đang tạm trú tại các khu trọ chật chội, không đảm bảo an toàn cũng như chất lượng cuộc sống. 

Do vậy, quy hoạch khu nhà lưu trú công nhân được xác định là một trong những nội dung trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2025 để tạo điều kiện để người lao động ổn định cuộc sống.

Thời gian trả góp mua NƠXH đã được nâng lên 25 năm, số tiền trả hằng tháng cũng nhỏ hơn so với quy định 10-15 năm như trước đây. Tuy nhiên, để mua được nhà, người lao động phải có khoản tiết kiệm 200-300 triệu đồng.

Với mức thu nhập chỉ 8-10 triệu đồng/tháng và mặt bằng giá hiện tại, phần lớn công nhân chỉ có thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu ở TP.HCM chứ khó tích lũy.

Do đó, Nhà nước cần dành một phần nguồn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng tập trung cho khu vực tư, tức hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, xây dựng các khu ký túc xá, khu lưu trú bảo đảm an toàn cho người lao động, giữ họ ở lại với TP.HCM.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.

Không chỉ TP Thủ Đức, các quận, huyện khác như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 7… cũng đang gấp rút rà soát quỹ đất để triển khai xây dựng căn hộ giá rẻ, NƠXH cho người lao động.

Chẳng hạn, tại huyện Bình Chánh, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở QH-KT và huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc của khu đất 15ha tại xã Vĩnh Lộc B để Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, đề xuất phương thức xây dựng NƠXH phục vụ công nhân trên địa bàn TP.

Hoặc, tại quận 7 – địa phương này đã có công văn đề xuất UBND TP xem xét về việc sử dụng tạm thời 8 khu đất trên địa bàn quận để xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời hạn 5 năm. Theo đánh giá của quận 7, các khu đất này đều có hiện trạng là đất trống, kết nối hạ tầng kỹ thuật đảm bảo, có quy mô lớn, không xen cài trong khu dân cư hiện hữu, đảm bảo kiến trúc cảnh quan.

"Nếu sử dụng các khu đất nêu trên đầu tư xây dựng khu lưu trú cho công nhân có quy mô quỹ đất hơn 74.000 m2, sẽ đáp ứng cho hơn 20.000 người trong tổng số khoảng 40.000 công nhân đang lưu trú trên địa bàn" – đại diện UBND quận 7 thông tin.

Cần thêm nhiều cơ chế "mở"

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng mới đây đã có đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Đây là gói tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư NƠXH, nhà ở công nhân khu công nghiệp, chế xuất; hỗ trợ công nhân, người lao động làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp được vay ưu đãi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các gói hỗ trợ mới giải quyết được một vấn đề là khó khăn về vốn, trong khi nguyên nhân quan trọng hơn là cơ chế pháp lý thì vẫn còn nhiều bất cập, cản trở đầu tư.

Là đơn vị chuyên về các dự án NƠXH, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành cho biết, có một nghịch lý là pháp lý dự án NƠXH còn vướng hơn dự án nhà ở thương mại. Bởi, hiện tại không có quy chuẩn, không có quy trình riêng nào cho dự án NƠXH, mà pháp lý của mô hình này hiện đang "xài chung" với dự án nhà ở thương mại.

Chưa kể, khâu xin giấy phép xây dựng NƠXH cũng bị 'soi rất kỹ, khiến thủ tục pháp lý để triển khai bị kéo dài, có khi lên tới 3 năm vẫn chưa chắc được cấp giấy phép xây dựng.

"Điều vô lý là, nếu với một dự án NƠXH sử dụng quỹ đất công, tài chính công thì việc kiểm toán có thể hiểu được, thế nhưng với Công ty Lê Thành, dù thực hiện dự án NƠXH với vốn tự bỏ ra, đất tự bồi thường, mà vẫn kiểm toán lên xuống nhiều lần khiến DN nản lòng không muốn đầu tư", ông Nghĩa nói.

Được biết, liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng NƠXH, Sở Xây dựng cho biết đang tham mưu cho TP quy trình rút ngắn thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NƠXH trong thời gian tới. Đặc biệt, hiện nay TP.HCM đã lập hai tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có dự án xây dựng NƠXH.

Cụ thể, tổ thứ nhất là tổ đầu tư, do chủ tịch UBND TP phụ trách để giải quyết các vấn đề về đầu tư dự án. Tổ thứ hai là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mỗi tuần hoặc nửa tháng họp một lần.


Thành phố bắt tay vào triển khai “giấc mơ” 1 triệu căn hộ giá rẻ - Ảnh 5.

Nhiều dự án tái định cư bị bỏ hoang. Ảnh: Quốc Hải

Ngoài ra, để rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng cho các dự án NƠXH, thành phố sẽ chuẩn bị sẵn bản thiết kế mô hình mẫu cho NƠXH. Đây là bản thiết kế được lựa chọn từ các cuộc thi do nhiều nhà đầu tư, kiến trúc sư tham gia. 

Nếu lựa chọn, doanh nghiệp vừa được miễn thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở trong hồ sơ cấp phép xây dựng, vừa giảm thời gian xét duyệt hồ sơ, chi phí đầu tư, từ đó kéo giảm giá nhà, gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Hơn 1.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang hơn 10 năm tại Bình Chánh

Năm 2003, UBND TP.HCM ra Quyết định 5255 thu hồi 459.452 m2 (gần 46ha) đất ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh; giao Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị để xây dựng khu tái định cư. Khu đất được chia làm hai giai đoạn đầu tư, gồm giai đoạn 1 ưu tiên tập trung thực hiện trước phần gần 31 ha và giai đoạn 2 là 15ha.

Theo đó, giai đoạn 1 đã được quy hoạch 45 block chung cư, mỗi block cao năm tầng với tổng cộng gần 2.000 căn hộ và hơn 500 nền đất, với đầy đủ các trường mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, siêu thị và công viên.

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2008 và đưa vào sử dụng vào năm 2010. Tuy nhiên, sau gần 10 năm đưa vào sử dụng thì dự án vẫn còn hơn 1.000 căn hộ bị bỏ trống.

15ha của giai đoạn 2 hiện nay TP đang có chủ trương làm NƠXH phục vụ CN thuê, thuê mua.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem