Ngày 27/7, Thanh tra TP.HCM đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp HTX thương mại TP. Thành ủy viên, Chánh Thanh tra TP.HCM Đặng Minh Đạt chủ trì buổi công bố.
Tham dự có ông Diệp Dũng - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên và các thành viên hội đồng quản trị Saigon Co.op; Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Đức và các Phó Tổng Giám đốc; Ban Kiểm soát cùng 26 đại diện HTX thành viên của Saigon Co.op.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, tại văn bản số 175/TB – VP ngày 19/3/2020, giao Chánh Thanh tra TP thành lập đoàn Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại Saigon Co.op, ngày 3/4, Chánh Thanh tra TP ban hành Quyết định số 60/QĐ-TTTP-P2 về thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại Saigon Co.op. Báo cáo kết luận dài 20 trang của Thanh tra TP có 3 phần.
Theo đó, Saigon Co.op được UBND TP phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 1344/QĐ-UB-KT ngày 5/3/1999 với tổng vốn đăng ký trên 23,1 tỷ đồng. Từ năm 1999 đến nay, Saigon Co.op được UBND TP giao cùng Sở Tài chính - Vật giá TP (nay là Sở Tài chính) xây dựng Quy chế quản lý nguồn vốn này trình UBND TP. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị vẫn chưa thực hiện, dẫn đến không cung cấp được cho Thanh tra TP cụ thể danh mục vốn, tài sản không chia có giá trị trên 21,8 tỷ đồng.
Theo Thanh tra TP, điều này là thực hiện không đúng theo quy định tại Điều 8 - Thông tư số 83/2015/TT-BTC ngày 28/5/2015 của Bộ Tài chính, hướng dẫn chế độ quản lý tài chính áp dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX quy định về quản lý tài sản không chia.
Với các tài sản Saigon Co.op tiếp nhận từ Liên hiệp HTX Mua bán TP chuyển sang và nguồn tài trợ khác, Saigon Co.op phải có nghĩa vụ sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển và xây dựng quy chế để quản lý chặt chẽ tài sản không chia. Nhưng Saigon Co.op chưa mở sổ theo dõi khi tiếp nhận tài sản không chia là không thực hiện đúng quy định.
Do đó, mặt bằng số 1 Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (Cửa hàng Co.op Food Đặng Văn Bi) hiện nay chưa có hồ sơ pháp lý, nên việc Saigon Co.op đang quản lý và sử dụng là không đủ thủ tục pháp lý.
Liên quan đến việc phân phối lợi nhuận, theo Luật Hợp tác xã và Điều lệ Liên hiệp, dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của Liên hiệp, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, thu nhập qua các năm của Saigon Co.op được trích lập các quỹ; phân phối cho thành viên HTX, tỷ lệ phân phối do Đại hội thành viên quyết định.
Qua kiểm tra, Thanh tra TP nhận thấy trong năm 2015, sau khi trích lập quỹ dự phòng tài chính, Saigon Co.op đã kết chuyển số tiền trên 1 tỷ đồng sang quỹ đầu tư phát triển là thực hiện không đúng khoản 2, điều 23 - Thông tư số 83/2015/TT-BTC ngày 28/5/2015 của Bộ Tài chính, hướng dẫn chế độ quản lý tài chính áp dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX quy định mục đích sử dụng các quỹ.
Việc Saigon Co.op không trích lập quỹ dự phòng tài chính là thực hiện không đúng điểm a, khoản 5, điều 21 - Thông tư số 83/2015/TT-BTC về việc trích lập các quỹ bắt buộc theo quy định.
Về việc tăng vốn điều lệ năm 2020, về trình tự thủ tục, qua kiểm tra, Thanh tra TP nhận thấy Saigon Co.op thực hiện chưa đúng quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Saigon Co.op đã được Đại hội thành viên thông qua.
Về nguồn vốn góp, các HTX thành viên tổ chức triển khai việc huy động vốn của các thành viên không đúng trình tự thủ tục quy định tại Luật Hợp tác xã và Điều lệ.
Kiểm tra kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX thành viên, Thanh tra TP cũng nhận thấy có 6 HTX hoạt động kinh doanh không có hiệu quả trong các năm 2018, 2019; một số HTX hoạt động mức lợi nhuận đạt sau thuế dưới 6 tỷ đồng, nhưng không tham gia góp vốn (trong khi phần lớn các HTX lợi nhuận đạt được sau thuế chỉ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn góp hàng trăm tỷ đồng là điều không bình thường).
Bên cạnh đó, phân tích tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của các HTX thành viên cho thấy, tỷ suất lợi nhuận đạt được từ 26% - 39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Điều này cũng cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.
Đồng thời, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung. Việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Ngoài ra, để quá trình thanh tra được chính xác, chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, ngày 24/7, Thanh tra TP có văn bản số 166/TTTP-P5 đề nghị Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op tạm đình chỉ việc tiến hành Đại hội thành viên cho đến khi có kết luận chính thức và ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.
Nhưng Saigon Co.op không chấp hành, vẫn tiến hành Đại hội biểu quyết các vấn đề liên quan, làm ảnh hưởng đến hoạt động và nội dung kết luận thanh tra về công tác nhân sự, phương án huy động vốn, tăng vốn điều lệ, việc rút vốn của các HTX thành viên… là vi phạm pháp luật thanh tra.
Kết luận của Thanh tra TP nêu rõ các sai phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của HĐQT Liên hiệp, thành viên Liên hiệp, Ban Tổng Giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan tại các thời kỳ.
Trên cơ sở các kết luận được công bố, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, yêu cầu Saigon Co.op nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật thanh tra.
Theo đó, tạm ngưng thực hiện các nội dung liên quan đến kết luận thanh tra và không thay đổi nhân sự HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các phòng ban; đến khi có kết luận xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của người có thẩm quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.