TP.HCM đẩy nhanh xây dựng sản phẩm OCOP

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 28/11/2021 10:13 AM (GMT+7)
Đến năm 2023, 100% xã xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn TP.HCM phải có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được công nhận từ 3 sao trở lên.
Bình luận 0

Xã NTM phải có sản phẩm OCOP

Hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã được các huyện, xã của TP.HCM quan tâm chú trọng thực hiện. Tính đến cuối năm 2020, mặc dù chưa có sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt sao, nhưng các huyện đã rà soát, định hướng lựa chọn các sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ tham gia sản xuất hoàn thiện hồ sơ, đăng ký đánh giá.

Thống kê của Sở NNPTNT TP.HCM cuối năm 2020 trên địa bàn 5 huyện, thành phố và các quận còn sản xuất nông nghiệp, có 38 đơn vị với tổng số 124 sản phẩm có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP.

Theo Chi cục PTNT TP.HCM, Chương trình OCOP được xem là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các xã xây dựng NTM. Đây là chương trình cần phải được tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.


TP.HCM đẩy nhanh xây dựng sản phẩm OCOP  - Ảnh 1.

Một thợ đan giỏ trạc ở xã Xuân Thới Sơn (Hóc Môn, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng

Theo dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Trung ương đã đưa chỉ tiêu có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn. Đây là chỉ tiêu thuộc tiêu chí 13 (Tổ chức sản xuất) và là 1 trong 19 tiêu chí xã cần hoàn thành trong xây dựng NTM. Như vậy, đến 2023, 100% xã xây dựng NTM trên địa bàn TP.HCM đều phải có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.

Tiềm năng sản phẩm OCOP rộng mở

Theo bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM, số lượng HTX tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố được thành lập và đưa vào hoạt động ngày càng nhiều. 

Hiện thành phố có 56/114 HTX có sản xuất kinh doanh sản phẩm có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Đây là đầu mối hỗ trợ hộ dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. 

Nhiều HTX hoạt động có hiệu quả và xây dựng được thương hiệu sản phẩm riêng của mình, như: HTX rau an toàn Phú Lộc; HTX rau an toàn Phước An; HTX rau an toàn Mai Hoa, HTX rau an toàn Phước Bình; HTX hoa lan Huyền Thoại; HTX sinh vật cảnh Sài Gòn...

Doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn đã và đang triển khai thực hiện theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để sản xuất sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất, tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. 

TP.HCM đẩy nhanh xây dựng sản phẩm OCOP  - Ảnh 3.

Sơ chế tổ yến ở Cần Giờ, một sản phẩm mang lại nguồn kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Trần Đáng

Các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương, như: Cá dứa, cá đù một nắng Cần Giờ, xoài Cần Giờ, yến Cần Giờ, bánh tráng Phú Hòa Đông... đã xây dựng được thương hiệu địa phương, sản lượng tiêu thụ khá ổn ổn định. Một số sản phẩm có số lượng sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, như: Cá dứa Cần Giờ, xoài Cần Giờ…

"Nếu gắn kết được hoạt động sản xuất các sản phẩm OCOP này với hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của các sản phẩm này", bà Mai nhận định. 

TP.HCM đã xác định tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành sản phẩm OCOP, gồm: Rau, hoa - cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh; 6 sản phẩm làng nghề truyền thống và 4 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem