TP.HCM kiến nghị sử dụng vốn ngân sách làm nông thôn mới không tính vào tổng kế hoạch trung hạn
TP.HCM kiến nghị sử dụng vốn ngân sách làm nông thôn mới không tính vào tổng kế hoạch trung hạn
Trần Cửu Long
Thứ ba, ngày 05/11/2024 15:18 PM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM là địa phương phải tự cân đối ngân sách với số vốn hơn 56.345 tỷ đồng.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, về nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 07 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM là địa phương tự cân đối ngân sách. Do đó, 100% nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây nông thôn mới trên địa bàn TP được thực hiện từ ngân sách TP và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách TP.HCM đã được TP xây dựng, trình HĐND TP xem xét, phân bổ từ năm 2021, nhưng chưa bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, do khi đó chưa đủ cơ sở đề bố trí vốn.
Hiện nay, TP có đủ nguồn thu ngân sách để chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhưng gặp khó khăn khi bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 do sẽ vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025, vừa được UBND TP.HCM ban hành, dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Đề án là 56.345,18 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP đóng góp 4.945,177 tỷ đồng, vốn lồng ghép (vốn hỗ trợ lãi suất kích cầu, chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị…) là 400 tỷ đồng, vốn sự nghiệp(vốn thực hiện nông thôn mới của các Sở, ngành) là 300 tỷ đồng.
Nguồn vốn còn lại 50.700 tỷ đồng đến từ vốn nhân dân - cộng đồng, doanh nghiệp, tín dụng. Trong đó, vốn tín dụng là 43.000 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp gồm vốn từ HTX, doanh nghiệp hỗ trợ và tham gia chương trình OCOP là 700 tỷ đồng và 7.000 tỷ đồng đến từ huy động người dân - cộng đồng.
Sử dụng vốn ngân sách xây dựng nông thôn mới không tính vào tổng kế hoạch trung hạn
Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn TP đạt hiệu quả, Sở NNPTNT TP tham mưu TP cần phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho sử dụng vốn ngân sách TP để chi cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công của các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng không tính vào kế hoạch trung hạn ngân sách TP, giai đoạn 2021 - 2025, đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho TP.
Vừa qua, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi đoàn giám sát Quốc hội khóa XV về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP.
Theo đó, để đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn TP đạt hiệu quả, UBND TP kiến nghị Trung ương xem xét, chấp thuận cho TP được sử dụng vốn ngân sách TP để chi cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công của các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng không tính vào tổng kế hoạch trung hạn ngân sách TP giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho TP nhằm có cơ sở, sớm triển khai thực hiện.
Sở NNPTNT TP cho biết, đến cuối năm 2022, TP đã có 56/56 xã và 5/5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.