TP.HCM: Nhà thuốc chăm sóc F0 như thế nào?

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 19/12/2021 17:03 PM (GMT+7)
TP.HCM có hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân, sau lời kêu gọi của Sở Y tế, đến nay, 590 nhà thuốc đã đăng ký tham gia chương trình chăm sóc F0 tại nhà.
Bình luận 0
TP.HCM: Nhà thuốc chăm sóc F0 như thế nào? - Ảnh 1.

TP.HCM đã có gần 600 nhà thuốc đăng ký tham gia chăm sóc F0. Ảnh: Giao Linh

Mặc dù các nhà quản lý luôn khẳng định, y tế cơ sở, trạm y tế là gần dân nhất, nhưng như bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM nhận định, với đặc thù của TP.HCM, gần dân nhất không phải… trạm y tế mà chính là nhà thuốc, phòng mạch tư.

Chị Huỳnh Thị Kim Nhung (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ, gia đình chị 7 người đều lần lượt nhiễm Covid-19. Trong đó có người 75 tuổi và một cháu bé 6 tuổi. Thời điểm đó, cả gia đình cùng chung triệu chứng ho, sốt, mất vị giác. Riêng bé 6 tháng tuổi phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị cùng mẹ. 

"Lúc đó rối lắm! Tôi báo trạm y tế, trạm bảo mua thuốc hạ sốt, thuốc ho uống, nếu có triệu chứng nặng hơn phải đến bệnh viện", chị Nhung kể.

Gia đình không còn ai âm tính để đi mua thuốc, chị Nhung liên hệ với tiệm thuốc gần nhà để được giao tận nơi. Nhà thuốc này chuẩn bị sẵn các gói thuốc theo toa của Sở Y tế TP.HCM, bao gồm thuốc giảm ho, giảm sốt, tiêu đờm, vitamin (gói thuốc A). "Không có nhà thuốc hỗ trợ tôi không biết xử lý như thế nào", chị Nhung chia sẻ.

Nhận thấy trạm y tế quá tải, nhân viên y tế không đủ thời gian chăm sóc người bệnh, dược sĩ Huỳnh Ngọc Dương, Phó Chủ tịch Chi hội Nhà thuốc TP.HCM nhanh chóng hình thành nhóm Zalo hỗ trợ F0. 

Tại nhóm này, bác sĩ, dược sĩ, F0 được liên kết. Người bệnh được bác sĩ theo dõi mỗi ngày, dược sĩ hướng dẫn cách dùng thuốc phù hợp. Đợt dịch vừa qua, khoảng 200 F0 đã được nhóm của dược sĩ Dương chăm sóc tại nhà theo cách thức này.

Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM, trên tinh thần tự nguyện, một số nhà thuốc tư nhân sẽ là cánh tay nối dài của trạm y tế, nhận túi thuốc A,B,C để cấp phát cho F0.

Những nhà thuốc này được y tế cơ sở đề xuất và chính quyền địa phương cho phép để đảm nhận nhiệm vụ trên. "Quy chế phối hợp được xây dựng trên nguyên tắc Sở kiểm soát chặt các túi thuốc, tránh nhập nhằng mua bán thuốc và cấp miễn phí", Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai TP.HCM cho biết.

Mặc dù ủng hộ phương án nhà thuốc tham gia chống dịch, nhưng dược sĩ Huỳnh Ngọc Dương lại lo ngại nguy cơ liên quan đến túi thuốc C – thuốc kháng virus. Đây là loại thuốc sử dụng có kiểm soát với các chỉ định chặt chẽ về độ tuổi, tình trạng F0…

"Tôi không đồng ý để cho nhà thuốc cấp phát gói thuốc C cho bệnh nhân. Các thuốc kháng virus như Favipiravir hoặc Molupiravir có chỉ định và cách sử dụng vô cùng quan trọng. Cần phải để cho bác sĩ kê đơn với loại thuốc này", Phó Chủ tịch Chi hội Nhà thuốc TP.HCM chia sẻ.

Trong khi đó, BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP cho rằng, ngay cả khi Molnupiravir được phép bán ở các nhà thuốc, cũng không thể mua tự do, mà cần bán theo đơn của bác sĩ.

"Toa thuốc này phải được bác sĩ ký tên và chịu trách nhiệm. Thuốc kháng virus này nếu uống không đúng liều, không đúng chỉ định có thể gây nhiều tác dụng phụ như dị tật trên thai kỳ, ảnh hưởng tim mạch, gan thận….", bác sĩ Tiến chia sẻ quan điểm.

Ông Tiến tỏ ra không khỏi lo ngại khi nhiều người dân vẫn còn tâm lý uống trước thuốc để phòng ngừa. Tâm lý này đặc biệt nguy hiểm với thuốc kháng virus. Đây là loại thuốc đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, dành cho F0 triệu chứng nhẹ, trên 18 tuổi, không dùng cho phụ nữ mang thai và có kế hoạch mang thai.

TP.HCM: Nhà thuốc chăm sóc F0 như thế nào? - Ảnh 3.

Việc sử dụng thuốc kháng virus phải được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: B.D

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dược học TP.HCM cho biết, trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, hệ thống nhà thuốc tại TP đã góp phần tham gia, chăm sóc sức khỏe của người bệnh. Do đó, sau lời kêu gọi của Sở Y tế, đến nay, 590 nhà thuốc tư nhân đã tham gia chương trình.

Bà Kim Anh lưu ý, dược sĩ tại nhà thuốc không phải là nhân viên tham gia điều trị trực tiếp cho F0 ở bệnh viện hoặc trung tâm điều trị, nhưng cũng có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, bằng trách nhiệm với cộng đồng và những kiến thức về dịch bệnh, Hội hy vọng thời gian tới, các nhà thuốc sẽ đồng hành với lực lượng tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem