Cảnh báo nguy cơ trầm trọng khi nhiều F0 "bị bỏ quên"
Cảnh báo nguy cơ trầm trọng khi nhiều F0 "bị bỏ quên"
Gia Khiêm
Thứ bảy, ngày 18/12/2021 10:40 AM (GMT+7)
Trước tình trạng có ca mắc Covid-19 tại Hà Nội "bị bỏ quên", nhiều chuyên gia y tế cho rằng phải làm rõ nguyên nhân và dù lý do là gì đi chăng nữa thì F0 cần được chăm sóc hỗ trợ kịp thời, không để bệnh trầm trọng hơn, gây áp lực lên hệ thống y tế và giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
Vài ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Số ca mắc lớn đã phần nào ảnh hưởng đến hệ thống y tế cơ sở. Nhiều trường hợp F0 bị "bỏ quên" dù đã nhiều lần liên hệ đến cơ sở y tế địa phương để được theo dõi.
Phản ánh tới PV Dân Việt, chị Đ.L.C (18 tuổi, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cho biết, chị nhận kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 8/12 nhưng phải đến ngày 14/12 mới được đưa đi cơ sở y tế điều trị, cách ly.
Theo chị C., trong khoảng thời gian phải chờ đợi lực lượng y tế, chị C. có nhiều biểu hiện sức khoẻ không tốt. Cụ thể, C. bị sốt cao, mất vị giác và ho, cơ thể luôn mệt mỏi.
"Tôi cảm thấy mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất vì không nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào từ lực lượng y tế trên địa bàn. Ngoài ra, gia đình có người mắc Covid-19 khiến cuộc sống bị ảnh hưởng, hàng xóm xung quanh không dám tiếp xúc và hỗ trợ", chị C. nói.
Tương tự gần đây, gia đình anh Đ. sống tại chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội có tất cả 4 F0 trở thành tâm điểm dư luận khi họ trải qua 1 tuần mắc bệnh nhưng không nhận được bất kỳ thông tin hay hướng dẫn, sự động viên, hỗ trợ, thuốc điều trị nào từ phía cơ quan chức năng.
Lý giải về sự chậm trễ khi đưa các F0 đi cách ly tập trung, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo UBND Phường Hoàng Liệt cho hay, hiện các cơ sở thu dung trên địa bàn phường đã quá tải, lực lượng y tế mỏng. Hiện tại phường đang kích hoạt trạm y tế lưu động nhưng gặp khó khăn do chưa đủ nhân lực ngành y tế.
"Có trường hợp F0 chúng tôi đưa đi đến cơ sở cách ly điều trị nhưng không có chỗ đành đưa quay trở về nhà", người này chia sẻ.
Sau sự việc phản ánh, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã trực tiếp trao đổi với gia đình bệnh nhân. Sau khi xem xét tình hình cụ thể, đối với các bệnh nhân không triệu chứng, phường Hoàng Liệt đã hướng dẫn gia đình cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, cung cấp nhu yếu phẩm, đồ dùng cần thiết cho gia đình bệnh nhân yên tâm.
Số lượng F0 tăng mạnh, y tế cơ sở Hà Nội cần làm gì?
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc nhiều F0 phản ánh chậm được đưa đi cách ly, điều trị cần xem xét kỹ nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này.
"Có thể do hệ thống y tế không tiếp nhận được người bệnh hoặc do trách nhiệm của cán bộ y tế. Tuy nhiên, dù lý do là gì đi chăng nữa thì nhân viên y tế phải liên hệ chặt chẽ với người dân để tư vấn đầy đủ, không để họ lo lắng. Nếu F0 có dấu hiệu chuyển nặng thì nhân viên y tế phải phát hiện ngay để đưa người bệnh đi cấp cứu", ông Phu cho hay.
Ông Phu cho rằng, tại Hà Nội, các cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19 chưa quá tải nhưng hệ thống y tế ở 1 số nơi có thể chưa cân đối được (có phường chưa quá tải hoặc quá tải trong từng thời điểm,…). Do đó, y tế xã, phường cần có sự phân bổ, điều động hợp lý, thành lập thêm trạm y tế lưu động, đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất, oxy, thuốc chữa bệnh ban đầu,… theo quy định của Bộ Y tế.
"Điều quan trọng mà y tế xã, phường phải quan tâm đó là nguồn nhân lực. Nhân viên y tế không cần có chuyên môn sâu về hồi sức cấp cứu nhưng phải biết tư vấn phòng bệnh, ăn uống cho F0, tiên lượng, dự báo triệu chứng F0 chuyển nặng để đưa họ đi cấp cứu. Với tình hình F0 tăng như hiện nay, y tế cơ sở cần lấy thêm nguồn nhân lực ở các đơn vị khác, có thể là học sinh (phải đào tạo, tập huấn), phân công nhiệm vụ hợp lý, tránh hiện tượng F0 liên hệ mà không xử lý kịp thời.
Y tế cơ sở của Hà Nội phải tiếp cận sớm F0, hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, tận dụng mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Nếu F0 diễn biến nặng, y tế phải nắm được để chuyển người bệnh đến bệnh viện. Điều này rất quan trọng để bệnh viện không bị quá tải, giảm tỉ lệ tử vong", ông Phu nêu.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cũng đã chỉ ra những tác hại khi F0 không được chăm sóc, hỗ trợ kịp thời.
Theo GS.TS Anh Trí, thành phố Hà Nội cho các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà là phù hợp. Đồng thời, Hà Nội đang thành lập 508 trạm y tế lưu động, thu dung và điều trị F0 nhẹ không triệu chứng. Đồng nghĩa, 508 trạm y tế sẽ có nhân viên y tế và được phân bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mắc Covid-19 cách ly tại nhà nhưng không được chăm sóc, hỗ trợ chu đáo. Ngoài đảm bảo các điều kiện cách ly như nguyên tắc 5K, điều kiện cơ sở vật chất... điều quan trọng nhất khi cách ly y tế tại nhà là F0 cần sự chăm sóc của nhân viên y tế và sự quản lý của chính quyền địa phương, ông Trí nêu.
"Chăm sóc, hỗ trợ y tế là điều quan trọng và là sự cần thiết đối với F0. Cụ thể, nhân viên y tế cần hướng dẫn phác đồ điều trị cho bệnh nhân, cấp phát thuốc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện sức khoẻ... cho F0. Đặc biệt, nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cho các trường hợp F1, F0 để nắm bắt tình hình sức khoẻ. Nếu không được động viên, chăm sóc... tâm lý, sức khoẻ của người bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn", ông Trí nhấn mạnh.
GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, đôi khi sự lo lắng, hoảng loạn khiến sức khoẻ, tinh thần của bệnh nhân trầm trọng hơn so với tác hại của virus. Vì vậy sự động viên, chăm sóc, thăm hỏi kịp thời rất quan trọng bởi đây là liều thuốc tinh thần.
"Để giải quyết những bất cập trên, chính quyền thành phố cần có phương án kiểm tra, rà soát, chỉnh đốn để người bệnh nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc kịp thời", GS Nguyễn Anh Trí nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.