Theo ông Nguyễn Phước Trung: “Việc tổ chức Festival hoa lan, cây kiểng ngoài thu hút khách du lịch còn là động lực thúc đẩy nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, mở rộng thêm các tour du lịch sinh thái, qua đó tăng thu nhập cho nông dân; khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp”.
Đề xuất này lập tức được lãnh đạo TP.HCM ủng hộ. Ông Lê Thanh Liên - Phó Chủ tịch thành phố cho biết: “Đây là ý tưởng tốt, tạo động lực cho sự phát triển nông nghiệp đô thị, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ trong điều kiện TP.HCM đã và đang giảm dần diện tích đất nông nghiệp trồng lúa sang trồng các loại cây phù hợp với nông nghiệp đô thị, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao”.
Nghề trồng hoa lan của nông dân Củ Chi đang cho thu nhập bền vững. Ảnh: H.V
Những năm gần đây, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là một trong những chủ trương lớn đối với ngành nông nghiệp thành phố. Những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả. Trồng hoa lan (Bình Chánh, Củ Chi)… được xem là mô hình sản xuất phù hợp với việc phát triển nền nông nghiệp đô thị tại TP.HCM, mang lại giá trị kinh tế cao.
Củ Chi là huyện tiên phong với mô hình trồng hoa lan, cắt cành phát triển khá mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp người dân nơi đây từng bước xóa nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi Dương Văn Minh, mô hình trồng hoa lan mokara theo phương thức cắt cành đang được nhiều nông dân trong huyện quan tâm lựa chọn để phát triển kinh tế hộ do phù hợp với điều kiện địa phương. Mô hình này không cần nhiều quỹ đất, phù hợp với nhiều đối tượng. Toàn huyện hiện có 167ha trồng lan mokara với 287 hộ tham gia. Tính bình quân, 1ha trồng hoa lan mokara cắt cành, mỗi năm cho thu nhập hơn một tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp huyện Củ Chi đã có kế hoạch mở rộng diện tích, trước mắt là 200ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.