Sáng ngày 1/8, Ban Cưỡng chế thu hồi đất thuộc UBND TP.Huế đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất các đồng thừa kế của ông, bà Lê Văn Nhỏ - Trần Thị Phù tại địa chỉ 52/7 Xuân 68, phường Thuận Lộc, TP.Huế.
Theo thông cáo báo chí của UBND TP.Huế, sau khi khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố và các đơn vị liên quan đã tập trung thực hiện công tác thông báo thu hồi đất, kiểm kê. Ngày 22/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các sở, ban ngành và UBND TP.Huế đã tổ chức cuộc gặp gỡ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án để công bố nội dung khung chính sách, thông báo thu hồi đất tại các khu vực nhằm công khai, dân chủ, minh bạch về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Quá trình thực hiện khung chính sách có nhiều bất cập, do đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND TP.Huế tiếp tục đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh bổ sung khung chính sách (tại các văn bản 222/TTg-CN ngày 24/2/2021 và văn bản 17/TTg-CN ngày 3/2/2023), kịp thời đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân.
Căn cứ khung chính sách và các quy định, UBND TP.Huế đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án. Trong đó, các đồng thừa kế của ông bà ông, bà Lê Văn Nhỏ - Trần Thị Phù với diện tích đất bị thu hồi là 123,4m2, đã được bồi thường 573.795.000 đồng và được giao 4 lô đất tái định cư với tổng diện tích 244,4m2.
Trước khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế, UBND phường Thuận Lộc cùng các đơn vị liên quan đã tiến hành thuyết phục, vận động yêu cầu các đồng thừa kế của ông bà ông, bà Lê Văn Nhỏ - Trần Thị Phù chấp hành bàn giao mặt bằng. Ban Cưỡng chế thu hồi đất thuộc UBND TP.Huế đã đến trực tiếp gặp gỡ để giải thích các quy định của pháp luật, vận động các đồng thừa kế thực hiện bàn giao mặt bằng nhưng không hành.
Theo UBND TP.Huế, việc các đồng thừa kế của ông bà Lê Văn Nhỏ - Trần Thị Phù không chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng của Nhà nước đã gây cản trở quá trình triển khai thực hiện dự án. Vì vậy, để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án theo đúng kế hoạch, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành quyết định về cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp này.
UBND TP.Huế cho hay, tại các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào - Tuyến Phòng Lộ, Trấn Bình Đài, Hồ Tịnh Tâm, Đàn Xã Tắc, khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Hồ Học Hải, Khâm Thiên Giám, Xiễn Võ Từ, Lục Bộ tại Thượng Thư Đường Bộ Công có tổng số hộ 5.024 hộ (gồm 2.239 hộ chính và 2.785 hộ phụ) bị ảnh hưởng. Thành phố đã phê duyệt bố trí tái định cư 2.751 lô đất và đã tiến hành cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức cuốn chiếu. Hiện thành phố đang tiếp tục phê duyệt bổ sung, ổn định dân cư tại các khu vực Xiễn Võ Từ, Lục Bộ tại Thượng Thư Đường Bộ Công.
Đồng thời với việc giải toả, di dời dân cư, TP.Huế đang tiếp tục triển khai công tác san gạt mặt bằng, trả lại cao độ phù hợp theo hình thức cuốn chiếu để bàn giao lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện trùng tu, bảo tồn phát huy giá trị di sản.
Riêng tại khu vực Thượng Thành, phạm vi giải phóng mặt bằng có diện tích 165.966,4m2. Khu vực này có 289 trường hợp bị thu hồi đất, có nhà ở phải di chuyển chỗ ở, với 576 hộ (241 hộ chính, 335 hộ phụ). Đến trước ngày thực hiện cưỡng chế thu hồi đất các đồng thừa kế của ông, bà Lê Văn Nhỏ - Trần Thị Phù, khu vực này đã có 288/289 hộ có nhà ở đã bàn giao mặt bằng. Khu vực giải toả này được triển khai thực hiện từ năm 2019 đến nay.
Dự án Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế "dự án di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.