“Bảo bối” VietGAP
Sau hơn ba năm theo đuổi, Tổ hợp tác chôm chôm Tân Thới (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) vừa được trao chứng nhận VietGAP cho vùng sản xuất rộng hơn 13ha. Ông Trần Văn Lợt – Tổ trưởng cho biết, với 26 xã viên, mỗi năm, tổ hợp tác cung ứng ra thị trường hơn 330 tấn trái, phần lớn đều bán qua thương lái, giá cả bấp bênh. Với mong muốn cải thiện đầu ra cho sản phẩm, hướng tới xuất khẩu, làm chủ giá bán, gần 3 năm trước, các thành viên trong tổ đã cùng thực hiện sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP, dưới sự hướng dẫn của TS Võ Mai ở Hội Làm vườn Việt Nam.
Chuẩn bị xoài đưa đi xuất khẩu ở huyện Phong Điền (Cần Thơ). Ảnh: Huỳnh Xây
“Bến Tre đã có một số vùng sản xuất chôm chôm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chúng tôi cũng quyết tâm sản xuất an toàn, mong bán được giá tốt” - ông Lợt nói. Đúng như mong muốn của ông Lợt, ngay tại buổi lễ trao chứng nhận VietGAP diễn ra hôm 19.1, đại diện Công ty Xuân Tiền (TP.HCM) – một doanh nghiệp đang xuất khẩu chôm chôm và thanh long vào thị trường Mỹ, đã đến khảo sát vùng trồng của của tổ hợp tác chôm chôm Tân Thới để xem xét ký hợp đồng thu mua.
Đối với trái xoài, ông Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, cả nước hiện có hơn 90.000ha xoài, trong đó, tập trung chủ yếu ở vùng ĐBSCL với hơn 41.000ha, chiếm hơn 85% tổng diện tích. Hai giống xoài chủ yếu của vùng này là xoài cát Chu và xoài cát Hòa Lộc đều có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng từ nhiều năm qua. Trong khi đó, nhu cầu của Nhật Bản mỗi năm nhập khẩu từ 10.000 – 12.000 tấn xoài tươi, chưa kể các loại sản phẩm chế biến từ xoài như nước ép, bánh xoài…
Còn ông Huỳnh Văn Bá – Chủ nhiệm HTX Xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) thì cho rằng, diện tích xoài dù lớn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu xoài vẫn luôn trong tình trạng “đói hàng”. Có thời điểm các doanh nghiệp từ New Zealand, Australia đặt hàng với số lượng từ 100 tấn/tháng nhưng HTX chỉ đáp ứng được trên dưới 10 tấn. “Nhu cầu xoài xuất khẩu rất lớn nhưng để đáp ứng được các tiêu chuẩn cho xuất khẩu, xoài phải đẹp, đồng đều và không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, các vùng trồng đạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… có lợi thế rất lớn” - ông Bá nói.
Động lực từ lãi cao
Ông Nguyễn Văn Sinh - thành viên HTX Nông nghiệp sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Xuân Hồng, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có gần 1ha trồng vải thiều, được mời đi tập huấn quy trình canh tác vài thiều xuất khẩu sang Mỹ, cho hay: “Sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP đã được các thành viên của HTX chúng tôi triển khai từ nhiều năm nay rồi, nhưng từ năm 2013 mới chính thức được hướng dẫn và tập huấn sản xuất vải thiều đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi Nhật Bản. Mặc dù giá bán vải cho các doanh nghiệp xuất khẩu đi Nhật như năm 2014 là cao hơn giá thu mua của thương lái 12.000 đồng/kg, nhưng để trồng vải thiều đạt tiêu chuẩn của Nhật là rất ngặt nghèo”.
Theo ông Sinh, giá vải năm 2014 thương lái thu mua là 18.000 đồng, nhưng vải xuất khẩu đi Nhật bán được 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để đáp ứng được tiêu chuẩn của Nhật, người trồng vải phải ghi chép đầy đủ nhật ký trồng trọt, phải đảm bảo các tiêu chí về chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu hái, bảo quản đúng quy trình- tức là người trồng vải cũng phải thay đổi tập quán.
Theo ông Phạm Văn Dũng – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Xuân Hồng, hiện HTX chỉ có 9 xã viên nhưng có 14ha sản xuất vải thiều. Nếu được mùa, sản lượng có thể đạt 130 – 150 tấn vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ năm 2015. “Nếu tính chi li, sản xuất vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu thì mất khoảng 6.000 – 7.000 đồng/kg, nhưng lại bán được giá như 2014 là cao hơn 12.000 đồng, thì chắc chắn người dân đều quyết tâm sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu” - ông Dũng nói.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Quang Tấn – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện đang phối hợp Cục Trồng trọt triển khai sản xuất gần 100ha vải thiều từ tiêu chuẩn VietGAP lên tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, trong đó sẽ cấp mã vạch cho 10 vùng sản xuất tại Lục Ngạn. “Hiện Mỹ đã đồng ý nhập khẩu 600 tấn vải thiều nên năm 2015, Lục Ngạn đang quyết tâm và chuẩn bị tất cả những yêu cầu của phía bạn để có thể xuất khẩu thành công” - ông Tấn nói.
Ông Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, những năm gần đây, nhiều vườn xoài đang bị phá hại nặng nề bởi nhiều loại sâu, bệnh như bệnh thán thư trên bông, bọ rầy, sâu đục trái… Những bệnh hại trái xoài sau thu hoạch như bệnh thối trái cũng tăng mạnh, ảnh hưởng tới chất lượng trái xoài khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Còn đối với nhãn, tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 15.400ha bị bệnh chổi rồng tàn phá.
Khải Huyền
Vui lòng nhập nội dung bình luận.