Trái chua ke ở vùng rừng quê xứ Nghệ

Long Sơn Thứ năm, ngày 15/10/2015 18:55 PM (GMT+7)
Chua ke là tên người dân quê tôi thường dùng để chỉ về một loại trái cây rừng lúc chín có màu vàng nhạt, khi ăn có vị ngọt nhẹ, chua thanh. Từ xưa đến nay loại trái rừng này luôn có sức hấp dẫn với nhiều người, đặc biệt là bọn trẻ xứ Nghệ quê tôi.
Bình luận 0

Còn nhớ vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy tôi còn bé đã thấy ở vùng rừng huyện Anh Sơn, Nghệ An có cây chua ke mọc nhiều. Từ vùng đồi đất cằn sỏi đá cho đến rừng sâu, đâu đâu cũng thấy cây chua ke mọc, có nơi mọc tập trung lên đến hàng trăm cây.

Chua ke là một loài cây mọc tự nhiên, cây lớn nhất cao tới hơn 10 mét, thân có đường kính trên dưới 0,5 mét. Sau khoảng 2 năm phát triển thì chua ke ra hoa, thường vào khoảng tháng tư hàng năm, sau 2 tháng thì kết trái và chín rộ vào khoảng tháng chín. Chua ke có hoa màu trắng, lúc mới đậu trái có màu xanh, to cỡ hạt lạc, khi chín trái chuyển sang màu vàng nhạt…

Được biết, chua ke ra rất nhiều trái, kết thành chùm, cây lớn có thể cho hàng chục kg trái. Việc thu hái loại trái này cũng rất dễ dàng, đến mùa chua ke chín, người dân chỉ việc vào rừng tìm cây có nhiều trái chín rồi hái chua ke cho vào túi mang về…

Không giống với nhiều loại trái cây khác, chua ke có hột to, lớp thịt và vỏ ngoài rất mỏng nên khi ăn phải nhai nát cả hột, sau đó nhả bã. Trái chua ke ai cũng thích ăn vì có vị ngọt nhẹ, chua thanh, đặc biệt đây là trái rất hấp dẫn đối với chúng tôi.

Trái chua ke thơm ngon là vậy, nhưng ngày nay do nhiều người dân nơi đây vào rừng tìm kiếm, chặt hạ loài cây này để lấy thân và lá bán cho thương lái nên chua ke đã suy giảm nhiều về số lượng.

img

Cây chua ke (ảnh: Võ Văn Thành).

img

Trái chua ke lúc còn xanh (ảnh: Võ Văn Thành)

img

Trái chua ke lúc chín (ảnh: Võ Văn Thành)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem