Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cây trúc đã tồn tại với người dân xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau) từ rất nhiều năm. Tuy trải qua nhiều thăng trầm, có lúc giá cả bấp bênh. Từng có giai đoạn cành trúc (nhánh trúc) được xem là phế phẩm, nay lại giúp nhiều hộ kiếm ra bộn tiền.
Gia đình ông Quách Văn Kênh (ấp Tấn Công, xã Tân Bằng) gắn bó với nghề trồng trúc gần 20 năm. Trước đây gia đình ông chỉ lấy thân cây trúc trưởng thành để đan mê bồ, rổ, thúng…Nhưng nay cây trúc được tận dụng luôn cả nhánh nhỏ, những cây chậm phát triển để sơ chế để bán ra thị trường.
Các cành trúc này là nguyên liệu để kết màn trúc xuất khẩu, cho giá trị kinh tế cao. Bình quân mỗi ngày gia đình ông Kênh cắt khoảng 50kg trúc với giá bán dao động từ 9-10 ngàn đồng/kg. Các cơ sở tại địa phương sẽ thu mua và xuất đi các tỉnh.
"Thường chi phí mua nhánh trúc khoảng 3-5 triệu đồng, sau đó tôi cắt và thu lại được hơn 10 triệu đồng. Nếu bữa nào nhiều thì tôi gọi thêm 1-2 người gần nhà cắt phụ. Trong mùa dịch nếu không đi làm được gì thì cắt trúc cũng có tiền sinh hoạt thoải mái", ông Kênh cho hay.
Không những tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ mà còn thu hút nguồn lao động nam ở địa phương. Đặc biệt, các thành viên trong gia đình kể cả trẻ nhỏ hay người già đều thực hiện được. Từ đó, đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhiều gia đình.
Cụ bà Lê Thị Hồi (ngụ cùng ấp Tấn Công) năm nay đã 80 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn tham gia cắt trúc, vừa có thu nhập mà lại tăng cường sức khỏe.
Bà Hồi chia sẻ: "Tuổi này chứ tôi ở không lại bệnh, ngày nào đi cắt trúc thì lại khỏe. Cắt trúc nhẹ nhàng lắm, mỗi ngày tôi làm cũng vài chục ngàn, kiếm tiền xoay sở, vừa đỡ đần được con cháu, thấy đời có ích hẳn ra".
Cành trúc tươi được lao động tại nhà cắt khúc khoảng 6cm rồi bán cho cơ sở. Sau đó được đưa vào máy đánh sàn để phân loại kích cỡ lớn, nhỏ theo yêu cầu đơn đặt hàng. Sau khi phân cỡ, cành trúc được đưa vào máy đánh cát với nước để tạo độ nhám.
Khi công đoạn này hoàn thành, cành trúc sẽ được đưa vào lò sấy khô hoặc phơi nắng trực tiếp để bảo quản, chuyển đến nơi tiêu thụ. Mỗi tháng một cơ sở thu mua và gia công trúc ấp Tấn Công xuất khoảng 30 tấn. Giải quyết được việc làm cho khoảng 4-5 lao đồng với thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng.
Tuy tạo được việc làm cho lao động địa phương nhưng ở quy mô còn giới hạn. Do đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Bằng có hướng sẽ triển khai thêm công đoạn xâu thành mành trúc. Giá thành bán ra sẽ cao gấp 5-7 lần so với gia công cành trúc.
Bà Mai Thị Thu Ba, chủ cơ sở thu mua và gia công trúc ấp Tấn Công, xã Tân Bằng, cho biết: "Hiện tại cơ sở mua trúc của bà con trong vùng cắt sẵn từ 1-2 tấn, sơ chế rồi vô bao xuất đi các tỉnh Tây Ninh, Long An, TP.HCM,…Tuy công việc khá thuận lợi nhưng hiện cũng chỉ mới dừng lại ở bán trúc nguyên liệu. Nếu sắp tới đây được hỗ trợ tôi sẽ mở rộng thêm công đoạn xỏ trúc thành dây. Đây sẽ là hướng phát triển tăng thu nhập cho bản thân và bà con trồng trúc".
Với niềm khao khát nâng tầm sản phẩm quê hương cũng như tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Bằng phối hợp với các ngành hướng đến tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ và những địa phương lân cận để tạo ra một sản phẩm đặc trưng của xã, có giá trị kinh tế cao.
Bà Lê Thị Đặng Tiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, cho rằng: "Mô hình sơ chế cành trúc ở địa phương phát triển rất mạnh, thời gian qua tạo thu nhập cho hơn 100 lao động nhàn rỗi ở địa phương, bình quân mỗi người từ 3-4 triệu đồng/tháng. Hướng tới hội sẽ phối hợp với các ngành chức năng và địa điểm thu mua sản xuất ra màn trúc tại địa phương, nhằm tăng thu nhập cho bà con".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.