Trải nhiều nghề, thấy về quê mở trang trại vẫn là nhất!

Bùi Hồng Liên Chủ nhật, ngày 11/01/2015 06:40 AM (GMT+7)
Trải qua nhiều nghề như đi đào vàng ở Lai Châu, xuất khẩu lao động... nhằm có chút vốn, anh Hoàng Tiến Dũng đã mạnh dạn đầu tư mở trang trại với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê mình.
Bình luận 0

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất mà thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế khác còn ở quy mô nhỏ, mang tính chất mùa vụ, nhưng với động lực là tình yêu quê hương tha thiết, là khát vọng tuổi trẻ, anh đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, vươn lên làm giàu cho gia đình, cho xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội. 

Anh là Hoàng Tiến Dũng, hội viên tiểu biểu của chi hội Nông dân xã Ba Trại, hiện đang là ông chủ của trang trại nuôi gà trắng cho thu nhập gần tỷ đồng mỗi năm.

Gian nan từ thở ban đầu

Sinh năm 1978 trong một gia đình thuần nông tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội, ngay từ nhỏ, anh Hoàng Tiến Dũng luôn nung nấu ý nghĩ phải làm sao để phát triển kinh tế gia đình và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Từ ý nghĩ đó, với sự thông minh, nhạy bén và quyết tâm của tuổi trẻ, anh Dũng đã tự mày mò, nghiên cứu sách báo, tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất từ Internet và tham gia các lớp tập huấn để trang bị kiến thức cho mình.

img

Trang trại gà trắng của gia đình anh Hoàng Tiến Dũng.

Trước khi đến với mô hình kinh tế trang trại, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, với số tiền vốn ít ỏi anh đã phải trải qua rất nhiều nghề như đi đào vàng ở Lai Châu, đi xuất khẩu lao động sang nhiều nước trong khu vực… để dành dụm được một số tiền nhất định. Năm 28 tuổi, người đàn ông ấy trở lại quê hương và bắt đầu thực hiện ước mơ của mình.

Năm 2007, sau khi được sự đồng thuận của gia đình, anh Dũng gom góp số tiền sau nhiều năm dành dụm được đồng thời mạnh dạn vay vốn ngân hàng để làm kinh tế gia đình theo hướng kinh tế trang trại. Với diện tích đất của bố mẹ cho mượn, anh đầu tư toàn bộ để xây một khu chăn nuôi gà và trồng chè. Những năm đầu tiên, anh chỉ nuôi khoảng 5000-6000 con gà lông trắng.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi nên những năm đầu, mô hình trang trại của anh không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thậm chí có những lứa, do dịch bệnh triền miên, số tiền mua thức ăn và vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm ngày càng tăng nên hầu như việc chăn nuôi của anh rất chật vật.

Nhưng với sức trẻ và khát vọng của thanh niên thế hệ mới, anh Dũng tiếp tục tìm hiểu thêm nhiều mô hình làm kinh tế mới, có hiệu quả. Năm 2011, tận dụng lợi thế sẵn có từ mảnh đất của gia đình, anh Dũng tiếp tục đầu tư thêm hai mô hình chăn nuôi gà trắng, mở rộng diện tích trồng chè và đặc biệt, anh còn đăng ký kinh doanh thức ăn chăn nuôi phục vụ cho các trang trại ở khu vực lân cận. Anh bắt đầu có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều hơn, đặc biệt, mô hình nuôi gà trắng thử nghiệm của anh Dũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi lứa gà thậm chí cho gia đình anh thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Khó khăn chưa dứt

Xã Ba Trại là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển nhất huyện Ba Vì (Hà Nội). Vào lúc đỉnh điểm, số lượng trang trại tại Ba Trại và các vùng lân cận lên tới con số 250. Tuy nhiên, cách đây khoảng hai năm trở về trước, tình trạng lỗ thông tầm khiến những người nuôi gà trắng rơi vào cảnh nợ nần đầm đìa. Nhiều người từng bi quan cho rằng, mọi cánh cửa với dân nuôi gà công nghiệp tự phát sẽ đóng lại. Gia đình anh Dũng cũng không phải là một ngoại lệ.

Anh Dũng kể lại: Đầu năm 2011, nhận thấy chăn nuôi được giá, anh tiếp tục vay tiền ngân hàng đầu tư xây chuồng nuôi gà lông trắng. Lứa đầu tiên, anh vào 6.000 gà với giá giống 31.500 đồng/con, đến khi được bán giá gà lông tại chuồng tụt xuống còn 24.000/kg. Sau khi cộng trừ nhân chia, anh lỗ ngót 200 triệu đồng. Các lứa tiếp theo, số tiền lỗ vẫn không thuyên giảm. Nguy hiểm hơn, chăn nuôi gà trắng sụp đổ đã kéo theo hàng loạt ngành hàng khác khủng hoảng theo. Chịu chung số phận sát sườn với các hộ chăn nuôi gà trắng chính là các đại lí thức ăn chăn nuôi.

Tìm hướng đi mới

Khó khăn  là thế nhưng anh chưa bao giờ lùi bước, anh Dũng cùng một số chủ trang trại ở xã Ba Trại đã đi tìm con giống tốt, đầu ra đảm bảo cho thương phẩm đồng thời học tập thêm nhiều lớp kỹ thuật chăn nuôi, thông tin trên Internet để tích lũy thêm nhiều kiến thức.

Quan điểm
img
Ông Lê Văn LộcHội viên Hội Nông dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội)
  Anh Tiến Dũng ngoài làm kinh tế giỏi còn rất nhiệt tình hướng dẫn bà con nông dân cách xây dựng chuồng trại, cách giữ môi trường chuẩn, cách phòng bệnh sao cho gia cầm đạt hiệu quả năng suất cao nhất...  

 

Giống gà trắng được chọn từ công ty, hàng ngày có nhân viên kỹ thuật tới xem xét và chăm sóc gà. Sau 45 ngày kể từ ngày nhập chuồng, công ty lại đến thu mua số gà từ trang trại và đảm bảo đầu ra cho số thương phẩm. Cuối năm 2013 vừa qua, trang trại gà cho gia đình anh thu nhập trên dưới tỷ đồng.

Từ hai bàn tay trắng, vốn liếng không có, giờ đây anh Dũng đã trở thành ông chủ của trang trại gà với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, là thanh niên tiêu biểu trong lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và quê hương. “Mong muốn lớn nhất của tôi là làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình mình. Đó là động lực để tôi không ngừng phấn đấu và nỗ lực” - anh Hoàng Tiến Dũng chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem