Trầm bổng tiếng sli, tiếng lượn của người Nùng xứ Lạng trong lễ hội đầu năm

Chang Liễu Thứ tư, ngày 13/02/2019 10:23 AM (GMT+7)
Từng tốp nam nữ người dân tộc Nùng Phàn Slình hỏi thăm, chúc tụng nhau qua câu sli, câu lượn tại lễ hội xuân Hòa Cư, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) chiều mùng 8 Tết khiến nhiều người tò mò, thích thú. Tiếng hát sli, hát lượn bay bổng vang cả núi rừng, cùng với màu của sắc áo, khăn choàng... tạo nên một không gian đầy màu sắc.
Bình luận 0

Clip người Nùng Phàn Sình hát sli, hát lượn tại lễ hội xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Đông Bắc Tổ quốc, có nhiều dân tộc anh em chung sống lâu đời như: Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay... Mỗi dân tộc đều có những làn điệu dân ca độc đáo của mình. Trong đó, nổi bật nhất là làn điệu dân ca giao duyên sli, lượn của người Tày, Nùng.

img

Bên nam, bên nữ đối đáp hỏi thăm nhau qua các câu hát sli, hát lượn trầm bổng tại lễ hội.

Ai có dịp lên xứ Lạng vào ngày phiên chợ, nhất là những ngày hội xuân bắt đầu từ tháng giêng, sẽ đều được chứng kiến từng tốp thanh niên nam, nữ người Nùng cất tiếng sli rất hồn nhiên và hào hứng. Thanh niên trai gái ở các bản, làng nếu có dịp gặp nhau cũng tổ chức hát sli với nhau suốt đêm cho đến sáng. Hát lượn ở xứ Lạng là tiếng hát tâm tình của thanh niên và cũng được phổ biến rộng rãi cả trong lớp người cao tuổi. Tiếng lượn cũng mượt mà, êm ả, thường được tổ chức trong nhà, vào những dịp đầu năm mới, đám cưới, vào nhà mới và những ngày hội vui...

Trong ngày hội xuân Hòa Cư, huyện Cao Lộc diễn ra chiều 12.2 (tức mùng 8 Tết), đông đảo người dân sinh sống trong, ngoài tỉnh tham gia lễ hội này. Điều đặc biệt thu hút nhất tại đây là ngoài các trò chơi đẩy gậy, nhảy bao sôi nổi thì tiếng hát sli, hát lượn cũng sôi nổi không kém, vang vọng cả sườn đồi.

img

Lễ hội đầu năm thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách ngoại tỉnh.

Trong tiếng Nùng, sli có nghĩa là thơ. Người Nùng ở xứ Lạng gọi loại hình dân ca trữ tình của họ là sli, một điệu hát tương tự như hát ví, hát ghẹo của người Kinh. Nội dung của những điệu hát sli thường đề cập đến mọi mặt của sinh hoạt đời sống, ca ngợi cảnh giàu đẹp của thiên nhiên, quê hương… Và sli còn là lối hát giao duyên của thanh niên nam, nữ dân tộc Nùng.

img

Trong khi nhiều người đi chơi hội rủ nhau tìm bạn để hát sli đối đáp, thì nhiều cô, nhiều chị lại tranh thủ bán chút nông sản địa phương tại lễ hội Hòa Cư.

Trong lời hát sli có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Do đó, dù trong lời hát là cây cối, trăng sao, năm, tháng... nhưng cuối cùng vẫn để nói về tình cảm, tâm trạng và khát vọng của con người. Và, hát sli không cần nhạc cụ đệm hay vũ đạo đi kèm. Người ta có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là có đối tượng hát. Trước khi hát, họ phải bắt chuyện với nhau, nếu thấy hợp, ăn ý thì sẽ hỏi thăm nhau qua những câu sli, câu lượn. Có lẽ bởi thế, tiếng hát sli vẫn được lưu truyền mãi cho đến hôm nay.

img

Màu áo, màu khăn của người Nùng Phàn Slình nổi bật tại lễ hội đầu năm.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, hát sli luôn có mặt trong đời sống của người Nùng, không chỉ như một nét văn hóa mà còn mang tính chất tâm linh, nghi lễ như: hát mừng đám cưới, khánh thành nhà mới, hát giao duyên, hát trong các lễ hội cầu mùa đầu xuân của người Nùng… Lời ca tạo không khí phấn khởi, sảng khoái, giúp cho con người có được niềm vui, thêm tin yêu cuộc sống.

img

Trẻ em, người lớn, tất cả đều chọn những bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất để trẩy hội.

img

Em bé người Nùng trong trang phục dân tộc theo mẹ xuống hội.

Theo tiếng Nùng Phàn Slình, “Sloong hau” nghĩa là “đôi ta”, hát sli sloong hau là một dạng diễn xướng dân gian với hai giọng bè, tùy theo hoàn cảnh mà người hát chọn chủ đề sli khác nhau như: sli làm quen, sli tỏ tình, sli vào bản, sli theo ngày... Là làn điệu luôn đi hai giọng nên trong các cuộc giao lưu, mỗi bên nam - nữ phải có hai người hoặc một tốp người.

Hiện nay số ít người còn lưu giữ trong trí nhớ một số bài “sli sloong hau” cổ. Phần lớn các nghệ nhân tuổi đã cao, chỉ còn một số ít đủ minh mẫn và có khả năng truyền dạy. Những văn bản liên quan đến các bài sli sloong hau cũng còn lại rất hiếm, chủ yếu là những bản chép tay đã nhàu nát theo thời gian.

img

Ngoài những câu hát sli, hát lượn vang sườn đồi thì các trò chơi như đẩy gậy, nhảy bao cũng thu hút đông đảo người dân.

Từ lâu, huyện Cao Lộc vẫn được biết đến là nơi có phong trào hát sli sôi nổi nhất so với các địa bàn khác trong tỉnh. Trước đây, người Nùng Phàn Slình sinh sống trên địa bàn huyện Cao Lộc hầu hết ai cũng biết hát sli. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, phong trào hát sli ở đây ngày càng bị mai một và đang rất cần được phục dựng, bảo tồn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem