Trước đêm bế mạc LHP Cannes 2023, tác phẩm La Passion de Dodin Bouffant (The Pot-Au-Feu) của Trần Anh Hùng được hoan nghênh khi chiếu ra mắt khán giả và nhận tràng vỗ tay dài 7 phút, đồng thời vị đạo diễn người Pháp gốc Việt cũng giành được giải Đạo diễn xuất sắc nhất.
Phim lấy bối cảnh thập niên cuối 1880 ở Pháp, với hai nhân vật chính là Eugenie (Juliette Binoche), một đầu bếp đáng kính và Dodin (Benoit Magimel), người sành ăn mà cô đã làm việc trong hơn 20 năm qua. Ngày càng yêu mến nhau, mối quan hệ của họ trở thành một mối tình lãng mạn và tạo ra những món ăn ngon gây ấn tượng ngay cả với những đầu bếp lừng lẫy nhất thế giới.
Bộ phim đánh dấu sự tái hợp của ngôi sao Juliette Binoche với Benoît Magimel, kể từ khi đóng vai chính trong bộ phim Les Enfants du Siecle của Diane Kurys năm 1999.
Sau khi giành được giải thưởng cao quý, Trần Anh Hùng đã có cuộc trao đổi với tạp chí Variety của Mỹ, xoay quanh quá trình làm raThe Pot-Au-Feu.
Anh có mong đợi bản thân mình cũng như The Pot-Au-Feu sẽ được tôn vinh từ Cannes không?
- Hãy tha thứ cho sự thẳng thắn của tôi nhưng mỗi lần tôi làm ra một bộ phim, tôi đều tin rằng nó sẽ chiếm được tình cảm của đa số khán giả. Tôi luôn nghĩ mọi người sẽ thích nó.
Tại sao anh lại muốn chuyển thể tiểu thuyết của nhà văn Marcel Rouffe lên màn ảnh rộng?
- Khi tôi đọc cuốn tiểu thuyết này, có một vài trang ông ấy nói về ẩm thực khiến tôi cảm động và truyền cảm hứng cho tôi. Nhân vật chính Dodin (do Benoît Magimel thể hiện) vẫn rất được yêu mến đến tận giờ và khai sinh ra một câu lạc bộ những người sành ăn.
Có một nhà hàng ở Paris là một trong những nơi yêu thích của cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterand, nơi đó có một bữa tối hàng năm được tổ chức ở miền Nam nước Pháp có thực đơn mà hoàng tử mời Dodin trong cuốn sách.
Bộ phim của anh cũng đã cho thấy ẩm thực đóng một vai trò trong lịch sử và ngoại giao của Pháp?
- Vâng đúng vậy, người Pháp được biết đến với việc đã tạo ra quan niệm rằng, một bữa ăn phải được phục vụ theo một trật tự nhất định để hài hòa. Ngay cả Napoléon, người hoàn toàn không quan tâm đến thức ăn, cũng hiểu tầm quan trọng của bữa ăn đối với các cuộc thảo luận ngoại giao.
Đó là lý do tại sao ông ta tặng một lâu đài cho Charles-Maurice de Talleyrand-Périgord (bộ trưởng bộ ngoại giao của Napoléon) và bảo ông ấy thuê một đầu bếp, chính là Antonin Carême - người sẽ làm tai mắt. Chính Auguste Escoffier, sinh ra 13 năm sau khi Carême qua đời, đã đưa nền ẩm thực Pháp bước vào kỷ nguyên hiện đại với những cung điện và dẫn đầu quá trình công nghiệp hóa nền ẩm thực.
The Pot-Au-Feu nổi bật với cảnh phim khoảng 40 phút mô tả quá trình chuẩn bị bữa ăn tỉ mỉ. Anh có thể giải thích về điều này?
- Mục tiêu rõ ràng là để thể hiện thứ gì đó mà chúng ta chưa từng thấy trước đây, đồng thời là đó là thứ vô cùng bình thường, không có thêm bất kỳ yếu tố ngoạn mục nào. Bất cứ loại hình nào cũng vậy, tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi quay vũ đạo này dưới con mắt điện ảnh thì nó sẽ trở nên lộng lẫy, giống như một vở ballet vậy!
Làm thế nào để ê-kíp của anh có thể chu toàn hết phần ẩm thực trong bộ phim, khi có quá nhiều loại thức ăn?
- Pierre Gagnaire và Michel Naves, hai cố vấn của chúng tôi trên phim trường luôn đối mặt với những thứ khá phức tạp, họ ở trong tình trạng lo lắng liên miên. Thông thường, chúng tôi bắt đầu bằng cách quay các bữa ăn đã nấu chín và sau đó quay các nguyên liệu thô. Chúng tôi đã tiêu tốn rất nhiều thức ăn! Ví dụ, đối món Bò hầm kiểu Pháp, chúng tôi đã sử dụng 40 kg thịt!
Anh làm gì với tất cả những thực phẩm đó?
- Chúng tôi đã ăn tất cả! Ê-kíp bộ phim khá nhiều người. Vì vậy, chúng tôi đã có những bữa ăn ngon nhất trên phim trường. Mỗi buổi sáng, dù là đạo diễn nhưng khi tôi đến trường quay sẽ không nhận được nhiều chú ý bằng cố vấn ẩm thực là Michel Naves. Mỗi lần Michel tới, mọi người đều vỗ tay và tôi cảm thấy ghen tị với anh ấy. Anh ấy hoàn toàn là ngôi sao trên trường quay.
Anh làm thế nào để kết hợp "mượt mà" hai ngôi sao Juliette Binoche với Benoît Magimel?
- Họ đều là những diễn viên tuyệt vời và hoàn toàn chuyên nghiệp. Họ nhập vai ngay lập tức mà không hề nao núng. Tôi rất cảm động khi biết sự nghiệp của họ trong đời thực và xem họ miêu tả câu chuyện này trên màn ảnh.
Trong quá trình quay phim, có một số khoảnh khắc đáng kinh ngạc, chẳng hạn như khi nhân vật nữ chính Eugénie hôn Dodin, mặc dù điều đó không có trong kịch bản. Benoît đã bị choáng ngợp và đến gặp tôi để hỏi: "Nó không có trong kịch bản, phải không?" Hoặc đôi khi, Benoît sẽ quên lời thoại của mình và nói với tôi: "Ồ xin lỗi, tôi bị lạc trong mắt cô ấy!".
Anh có thể bật mí về dự án tiếp theo sau này?
- Tôi ước mơ làm một bộ phim về Đức Phật. Tôi làm một bộ phim về Đức Phật và di sản tinh thần phi thường mà Ngài đã để lại kéo dài 25 thế kỷ. Ngài đã chữa lành cho rất nhiều người trên trái đất này và học thuyết của ông xứng đáng được biết đến nhiều. Tôi cũng muốn làm thêm một bộ phim ở Việt Nam với dàn diễn viên hoàn toàn là nữ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.