Trận chiến duy nhất Thành Cát Tư Hãn thua cuộc

Quang Minh - Tổng hợp Thứ tư, ngày 12/10/2016 00:25 AM (GMT+7)
Trận thua được cho là duy nhất của Thành Cát Tư Hãn vẫn là một bí ẩn, thậm chí nhiều sử gia cho rằng đây là câu chuyện bịa của đối phương bại trận.
Bình luận 0

img

Tranh mô tả trận chiến eo Samara, nơi Thành Cát Tư Hãn được cho là thất bại thảm hại.

Thành Cát Tư Hãn được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử thế giới với tài năng quân sự và tầm nhìn lỗi lạc. Đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lập nên được xem là quốc gia có diện tích liền mạch và lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Loạt bài này sẽ kể lại những câu chuyện sống động về cuộc đời, sự nghiệp và tài năng kiệt xuất của Thành Cát Tư Hãn.

Chiến dịch Samara của quân đội Mông Cổ đã giết hại hơn 200.000 lính từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Thời điểm năm 1223, lúc đánh vùng Volga Bulgar (Nga), quân Mông Cổ được xem là đạo quân tinh nhuệ nhất thế giới với độ chuyên nghiệp, kỉ luật, đào tạo và trang bị tốt. Một người lính của Thành Cát Tư Hãn tăng cấp dựa trên năng lực chứ không dựa trên vị trí trong xã hội.

Hai tướng tài của Thành Cát Tư Hãn là Triết Biệt và Tốc Bất Đài đã xây dựng nên một bộ khung chiến thuật bằng kỉ luật thép. Khả năng linh hoạt trên lưng ngựa của lính Mông Cổ vượt mặt mọi quân đội các quốc gia khác. Việc sử dụng ngựa chiến thuần thục cùng thể chất vượt trội giúp họ sống sót ở những khu vực mà người và ngựa bình thường khó bề trụ nổi.

Thành Cát Tư Hãn biết rằng chất lượng của quân sĩ quan trọng hơn rất nhiều số lượng áp đảo. Quân Mông Cổ thường dùng khí cụ từ Trung Quốc và Ba Tư để tấn công những thành trì kiên cố.

img

Tranh mô tả cung thủ Mông Cổ.

Vào thời đó, người Volga Bulgar đã xây dựng được một quốc gia hùng mạnh từ thế kỉ thứ 7 giữa biển Azov (phía bắc Biển Đen) và thung lũng Kuban (miền nam nước Nga ngày nay). Một số người Volga Bolgar di dân tới châu Âu và thành lập đế chế ở vùng Balkan. Số khác tiến lên phía bắc và thành lập Great Bulgaria. Người Volga Bulgar được cho là có gốc người Turk, hiện nay sinh sống gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Volga Bulgar là một trung tâm giao thương quan trọng giữa thế giới Hồi giáo và châu Âu, nhất là khi nước này coi đạo Hồi là tôn giáo chính vào năm 922. Các khu dân cư, làng mạc của Volga Bulgar mang nặng tư tưởng Hồi giáo cho tới khi quân Mông Cổ đánh chiếm.

Trong khi quân Mông Cổ càn quét ở khu vực Dnieper (từ miền trung nước Nga tới Biển Đen), một sứ giả của Thành Cát Tư Hãn yêu cầu hai tướng là Tốc Bất Đài và Triết Biệt quay trở lại sông Volga. Con trai của Thành Cát Tư Hãn là Truật Xích cũng mang theo một vạn quân và tập hợp cùng lính của Triết Biệt, Tốc Bất Đài ở phía tây sông Volga. 

img

Tốc Bất Đài, một trong 4 tướng tài dưới thời Thành Cát Tư Hãn.

Khoảng năm 1222, Triết Biệt và Tốc Bất Đài dốc quân tiến vào sông Volga. Cứ liệu lịch sử không ghi lại chi tiết trận đánh này nhưng cho rằng Triết Biệt và Tốc Bất Đài đã bị đặt bẫy. Theo đó, khi quân Volga Bulgar giả vờ thua, hai tướng của Thành Cát Tư Hãn đã quá mải mê truy ngựa đuổi theo tới eo Samara (thành phố Volga, Nga ngày nay).

Lúc này, quân phục kích của Volga Bulgar mới xuất hiện và ồ ạt tấn công. Quân Thành Cát Tư Hãn bị tổn thất nặng nề. Một số tài liệu cho rằng quân Mông Cổ từ 50.000 người chỉ còn 4.000 lính sống sót trở về.

Các nguồn tin khảo cứu gần đây cho rằng số lượng lính Mông Cổ chết không nhiều tới vậy. Sử gia Petert Jackson cho rằng số lượng 4.000 lính thực ra là quân Mông Cổ tham chiến chứ không phải số tử trận.

img

Nhiều sử gia cho rằng trận thua ở Samara chỉ là câu chuyện bịa đặt của đối phương.

Sử gia A.H Halikov cho rằng tướng của bên Volga Bulgar là Ilgam Khan và việc một nước yếu như vậy chiến thắng quân của Thành Cát Tư Hãn là điều không thể. Ông cho rằng nhiều người Volga Bulgar đã bịa ra câu chuyện trên.

Cần biết rằng, Triết Biệt và Tốc Bất Đài là hai chuyên gia đánh du kích và là mãnh tướng trong những trận đánh lớn. Khả năng thua trận và bị lừa vào thế trận du kích của quân du mục Volga Bulgar là điều rất khó tin.

Dù kết quả trận đánh là gì thì sau đó, quân Mông Cổ vẫn tràn vào núi Ural, đánh bại tộc người Saxin rồi lên miền nam tiêu diệt phía đông của vùng Cuman-Kipchak-Kanglis. Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, thủ lĩnh bị chặt đầu và sau đó phải triều cống một khoản tiền lớn cho quân Mông Cổ. Chính hành động sau trận Samara này cũng đặt nhiều nghi vấn quanh việc quân Mông Cổ thua trận trước Volga Bulgar.

Sau chiến thắng vang dội, quân Mông Cổ trở về nhà. Đáng tiếc là tướng tài Triết Biệt qua đời vì sốt tại khu vực sông Imil, vùng Tarbagatai trong cuộc hành trình. Mười bốn năm sau vào năm 1236, quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Tốc Bất Đài và Bạt Đô quay lại Bulgaria và xâm lược nốt phần lãnh thổ còn sót lại.

______________

Để có được những chiến thắng vang dội và làm chủ 24 triệu km2 diện tích đất liền thế giới, Thành Cát Tư Hãn cần sự hỗ trợ đắc lực của 4 tướng tài, trong đó nổi bật nhất là Tốc Bất Đài. Tài cầm quân như thần của ông khiến kẻ thù khiếp sợ. Mời bạn đọc bài tiếp theo xuất bản sáng sớm 13.10 để hiểu thêm về tài dụng binh của viên tướng “từ nhân dân mà ra” Tốc Bất Đài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem