Phi đội chiến đấu cơ F-89D Scorpion.
Một thập kỷ sau Thế Chiến 2, các máy bay Mỹ lại quần thảo trên bầu trời thành phố Los Angeles trước một mục tiêu khó lường trên không. Cư dân xung quanh được khuyến cáo tìm nơi ẩn nấp bởi hàng trăm quả tên lửa không dẫn hướng rải xuống lãnh thổ Mỹ.
Các phi công đã không hoàn thành nhiệm vụ, còn sự kiện này được biết đến với tên gọi trận chiến Palmdale.
Sự cố bất ngờ
Sáng ngày 16.8.1956, một chiếc máy bay đặc biệt được phóng đi từ căn cứ hải quân ở California. Đó là chiếc Grumman F6F Hellcat được hoán cải thành máy bay không người lái. Nổi bật với màu sơn đỏ, F6F Hellcat được sử dụng với mục đích làm mục tiêu giả. Nhưng một sự cố bất ngờ xảy ra khiến kế hoạch trở thành một "thảm họa" đáng xấu hổ với không quân Mỹ.
Theo kế hoạch, chiếc F6F Hellcat bay với tốc độ chậm trên bầu trời Thái Bình Dương để bị bắn tan tành. Nhưng vì sự cố kỹ thuật, máy bay ngừng nhận tín hiệu điều khiển và hướng về phía đông nam, đến thành phố Los Angeles. Đây là mối đe dọa tiềm tàng bởi máy bay có thể rơi nhầm chỗ, gây chết người.
Hai chiến đấu cơ F-89D Scorpion ngay lập tức nhận lệnh cất cánh từ căn cứ không quân Oxnard. Căn cứ này vốn là nơi đánh chặn trong trường hợp máy bay ném bom Liên Xô tấn công.
Máy bay chiến đấu Grumman F6F Hellcat.
Khi 2 chiến đấu cơ tiếp cận mục tiêu cũng là lúc chiếc F6F Hellcat bay gần đến thành phố. Cơ hội đầu tiên để có thể bắn hạ mục tiêu nhanh chóng đến khi khu vực dưới mặt đất không có người sinh sống.
Hai chiếc F-89D Scorpion được trang bị tổng cộng 208 tên lửa không dẫn hướng “Mighty Mouse”. Tên lửa cần phải lao thẳng vào mục tiêu mới có thể kích hoạt đầu đạn chứa đầy thuốc nổ.
Tuy nhiên, rắc rối xảy ra khi loạt phóng đầu tiên không thành công vì hệ thống tự động gặp trục trặc. Phi công phải chuyển sang điều khiển bằng tay. Nhưng khi máy bay ngày càng tiến gần Los Angeles, tình hình càng trở nên khẩn cấp.
42 quả tên lửa được phóng đi nhưng không trúng mục tiêu. Máy bay thứ hai cũng thất bại tương tự. Chiếc F6F Hellcat lúc này đã tiếp cận thị trấn Newhall, ngoại ô Los Angeles.
Cuối cùng, máy bay không người lái một lần nữa đổi hướng bay đến Palmdale, khu trung tâm phía bắc Los Angeles. Mỗi chiến đấu cơ F-89 bắn thêm 30 tên lửa nữa nhưng vẫn trượt. Tổng cộng, 208 quả tên lửa không dẫn hướng đã được bắn đi song tất cả đều không trúng đích.
Hai chiếc F-89D Scorpion đã phóng tổng cộng 208 quả tên lửa trượt mục tiêu.
Máy bay không người lái chỉ rơi xuống đất sau khi hết nhiên liệu, cách phía đông Palmdale khoảng 12 km sau khi đã cắt đứt nhiều dây điện. May mắn là không có ai bị thương.
Không dễ dàng bắn hạ mục tiêu
Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó, 208 quả tên lửa do hai chiến đấu cơ phóng đi khi truy đuổi máy bay không người lái đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên mặt đất.
Hỏa hoạn xảy ra trên gần 140 hecta đất gần thị trấn Newhall. Cần tới hàng trăm lính cứu hỏa đã được huy động để dập tắt các đám cháy. Các mảnh vỡ từ tên lửa xuyên qua cửa kính vào nhà người dân. Một thiếu niên may mắn sống sót khi đang lái xe đến Palmdale thì bị mảnh vỡ xuyên qua kính trước.
Một tờ báo hôm sau miêu tả vụ việc với giọng châm biếm như “vụ ném bom ngoài ý muốn”. Tờ Los Angeles Times mô tả hành trình của chiếc máy bay không người lái là “thiếu kiểm soát và nguy hiểm”.
Nhiều quả tên lửa đã rơi xuống đất mà không phát nổ, dẫn đến những rủi ro tiềm tàng nếu như người dân chạm phải. Không quân Mỹ đã phải phát các tờ rơi miêu tả về tên lửa để người dân trong khu vực tránh xa khỏi nguy hiểm chết người.
Quân đội và cảnh sát Mỹ tiếp cận hiện trường máy bay rơi.
“Đây thực sự là câu chuyện rùng rợn”, nhà nghiên cứu hàng không Peter Merlin nói. Đây không phải lần đầu tiên chiếc F6F Hellcat được hoán cải thành máy bay không người lái. Máy bay này từng được sử dụng trong các vụ thử hạt nhân để thu thập mẫu thử nghiệm trong đám mây hạt nhân.
Chuyên gia Doug Barrie đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London nói nhiệm vụ nghe thì đơn giản nhưng để hoàn thành thì không phải là điều dễ dàng. Các máy bay phải truy đuổi mục tiêu trong không gian 3 chiều và phóng tên lửa không dẫn hướng ở tốc độ cao.
Ở thời điểm đó, phóng loạt tên lửa vào đội hình máy bay ném bom đối phương là một chuyện nhưng ngắm bắn một máy bay đơn độc lại là chuyện khác. Ngày nay, người ta đã đề phòng rủi ro bằng nhiều biện pháp an toàn.
Các vũ khí dẫn hướng hoặc phương tiện di chuyển không người lái đều có cơ chế tự hủy nếu trục trặc xảy ra. Đối với UAV, nếu mất tín hiệu trong một khoảng thời gian nhất định thì máy bay sẽ tự trở về căn cứ, trong trường hợp còn nhiên liệu.
Trận chiến 60 năm trước ở Palmdale tuy không gây ra thương vong nhưng nó trở thành một trong những sự cố “không thể quên” trong lịch sử với không quân Mỹ..
Sự kiện cũng cho thấy các công nghệ phục vụ chiến tranh, từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách nhất định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.