Vào cuối một buổi chiều tháng 6 cách đây nhiều năm, Trần Hòa Bình rủ Nguễnh (Nguyễn Bình - tác giả bài viết) đi ăn tối ở một quán ăn cách Hà Nội những hơn 10 km - quán Đầm Sen bên thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh. Những món ăn miền quê Kinh Bắc rất ngon, nhưng Trần Hòa Bình trầm ngâm khác hẳn ngày thường (Trần vốn là người thích vui nhộn khi… nhậu).
|
Trần Hòa Bình (trái) về quê Nguyễn Bình ở Thạch Thất, Hà Tây (cũ) |
Bất chợt, Trần Hòa Bình chỉ tay về phía ngôi nhà rất nhiều cây cảnh bên kia đầm sen và nói: "Nguễnh này, nhà H. đấy" (Trần, Nguễnh - tên thường gọi của Trần Hòa Bình và Nguyễn Bình trong nhóm bạn thân). Nguễnh chợt hiểu rằng Trần thích lên đây ăn tối là có lý do rất riêng và bỗng nhớ lại mối tình khó nói của Trần Hòa Bình với H.
Trần Hòa Bình là thầy dạy đại học của H. Tình yêu đến với cô nữ sinh khi H. bước vào năm cuối, nhưng cũng là thời điểm mà Trần Hòa Bình chưa hẳn đã nguôi ngoai nỗi buồn chia tay với người vợ cũ.
H. là con một gia đình giáo học và lúc này H. tốt nghiệp đại học sư phạm và đang chờ việc ở nhà (thị trấn Từ Sơn).
Bữa ăn kết thúc nhanh, Trần Hòa Bình rủ Nguễnh vào nhà H. chơi, có vẻ như Trần muốn “ra mắt” bố mẹ người yêu. Vì thế trong đầu Nguễnh đã phải phác thảo nhanh kịch bản của một… "ông mối".
Ngõ nhỏ xen giữa hai vườn cây dưới ánh trăng đầu tháng thật đẹp, lối vào nhà H.
Trần Hòa Bình lấy cớ mắt cận đi sau. Nguễnh hăng hái vô tư đi trước. Dừng chân trước cổng nhà H., Nguễnh đưa tay lên định bấm chuông thì Trần Hòa Bình vội giật tay ngăn lại, ngập ngừng ở phút chót: "Thôi Nguễnh ơi… về thôi!".
|
Trần Hòa Bình (phải) và Nguyễn Bình ở công viên Nguyễn Tất Thành, TP.Vinh, Nghệ An |
Thật sự bất ngờ nhưng Nguễnh chợt hiểu tâm trạng của Trần Hòa Bình lúc ấy. Nửa đùa nửa thật, Nguễnh tỉnh queo: "Ừ về thì về!” Cả hai quay ra được một đoạn, lại thấy Trần Hòa Bình dừng chân, ấp úng: "Hay là… Nguễnh vào một mình… nói giúp…"
Trời, “ra mắt” kiểu gì vậy, Trần? Như có được một phát hiện mới mẻ, Nguễnh ghé vào tai Trần mà cười: "Thôi đúng rồi, đúng là ông yêu thật rồi! Hê hê...". Trần cũng cười, nụ cười trông… ngây ngô.
Có phải khi “con tim yêu thương vô tình chợt gọi” thì ở tuổi nào chẳng ngây ngô? Nhưng có lẽ chính chi tiết “ngoài kịch bản” này đã lý giải vì sao Trần Hòa Bình lại viết nên câu thơ không thể nào thay thế về sau:
Ta thương em mà không sao thưa được
Ta yêu em mà không sao nói được...
Vòng vo, đắn đo, tiến thoái mãi, cuối cùng thì Trần nhất quyết không vào nhà H. nữa. Hai gã lang thang ra về sau khi Trần Hòa Bình cho rằng, vào nhà người yêu khi còn hơi rượu ở miệng là điều không nên...
|
Trần Hòa Bình (ngồi thứ 3 từ trái sang) cùng nhóm công tác nghỉ chân ở đèo Pha Đin, Điện Biên |
Đoạn Từ Sơn - Yên Viên bạt ngàn hoa sen trong các đầm nước hai ven đường, đẹp mờ ảo và ngát hương trong đêm trăng. Có hai đứa trẻ đứng bán hoa sen cắm trong những cái xô đựng nước ven đường.
Trần và Nguễnh dừng lại hồi lâu và chọn mua một bó sen hồng chưa nở… Hình như ngay từ lúc này, tứ thơ về một "Bài hát ru Hoa sen" đã ngân lên trong Trần Hòa Bình? Và có lẽ trong đêm hôm ấy, tâm hồn khổ đau vì mất mát kia đã có một giấc mơ yêu tuyệt vời:
Giấc mơ yêu nồng thắm của ta
Hết khổ đau lại chập chờn hy vọng...
Nguyễn Bình
BÀI HÁT RU HOA SEN - thơ Trần Hoà Bình -(gõ theo bản thảo gốc do tác giả tặng)
Ngủ đi những đoá sen
Sen mọc bên nhà em
Ta hái về thành phố
Đêm nay Từ Sơn ta nhớ
Đêm nay Từ Sơn còn nhớ ta?
Ngủ đi những đoá hoa
Giấc mơ yêu nồng thắm của ta
Hết khổ đau lại chập chờn hy vọng
Hạnh phúc là gì, hạnh phúc có thật không?
Ôi những đoá sen dè dặt cánh hồng…
Ngủ đi những đoá hoa vợ chồng
Ta ru hoa một đêm dài đơn độc
Và em nữa, đã bao giờ em khóc
Trước hồn sen trong vắt một ước nguyền
Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền?
Ngủ đi - nhưng đừng vào lãng quên
Những bông sen ta hái về chậm trễ
Ta thương em mà không sao thưa được
Ta yêu em mà không sao nói được
Sen ngủ trong bình, em thức trong ta…
Ngủ đi những đoá hoa lạ nhà
Hãy mơ giùm ta một mùa đôi lứa
Đêm nay hồn ta hé nở
Nhớ một đầm sen
Thổi gió dài tóc em...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.