Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân dắt chó đi dạo trong các công viên, đường phố tại TP.HCM. Phần lớn những con chó này không có rọ mõm, dây xích lúc có, lúc không. Nhiều người dân còn xem công viên, vỉa hè là “nhà vệ sinh” của thú cưng.
Ám ảnh chó thả rông
Phần lớn những người chủ này cho rằng thú cưng của họ vô hại, sẽ không tấn công bất kỳ ai nếu không bị “chọc ghẹo”. Một người đàn ông khoảng 60 tuổi, nuôi một con chó to, nặng khoảng 40kg tại phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, ông thường xuyên thả chó đi dạo quanh khu vực trước nhà. Được biết trước nhà ông là khu chợ dân sinh, thường xuyên có đông người.
“Tôi thả mấy năm qua rồi, nó có cắn ai đâu, thỉnh thoảng có mấy đứa con nít hay chạy nhảy, đùa cợt thì con chó nó mới rượt theo. Nó giỡn ấy mà”, người đàn ông này vô tư cho biết.
Với chủ nuôi là vậy, nhưng với nhiều người từng bị chó tấn công, họ lại có cái nhìn rất khác. Anh Lâm Minh Dư (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, 3 năm trước anh từng bị một con chó rượt, cắn lúc đang đi xe. Anh bị cắn vào chân, rách quần và phải đi tiêm ngừa.
“Đến bây giờ gặp chó ngoài đường tôi rất sợ, không biết nó có cắn mình không, nhưng tâm lý của mình đã sợ sẵn rồi”, anh Dư nói.
Trong khi đó anh Nguyễn Văn Lộc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, anh đã từng nhắc nhiều người chủ mang rọ mõm cho chó của họ, nhưng phần lớn không thành công.
“Những người này họ rất chủ quan, họ cho rằng chó của họ sẽ không cắn ai. Nhưng mình là người đi đường, thấy chó mình nghĩ ngay cách đi làm sao cho nó khỏi cắn mình. Nó là động vật, đâu phải lúc nào cũng nghe lời chủ. Mình từng bị chó cắn, nên mình rất cảnh giác”, anh Lộc chia sẻ.
Tính đến hiện tại TP.HCM có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông. Trong đó, 5 đội ở TP.Thủ Đức, 2 đội quận 1, 1 đội quận 6, 10 đội quận 7, 2 đội quận 10, 11 đội quận 12, 12 đội quận Gò Vấp, 1 đội quận Bình Thạnh, 7 đội huyện Cần Giờ, 6 đội ở Củ Chi, 2 đội ở Hóc Môn.
Trao đổi với Dân Việt, Th.S Đỗ Thị Mộng Thơ - Phó Chủ tịch Chi hội Thú y Thú nhỏ Việt Nam cho biết, chó vốn có nguồn gốc từ động vật hoang dã, được con người thuần hóa qua thời gian dài và trở thành vật nuôi.
“Con chó bản chất nó là động vật không dễ kiểm soát. Ví dụ có những ngày nó bị rận cắn nhiều, bị bệnh, bị nóng trong cơ thể, dẫn đến hành vi nó thay đổi. Nhiều khi nó lại hành động mất kiểm soát, gây ra những vụ việc đau lòng như chúng ta từng thấy”, bà Thơ cho biết.
TP.HCM có tổng đàn chó, mèo "khủng"
Hiện nay, TP.HCM có hơn 183.700 con chó, mèo được nuôi tại hơn 100.000 hộ gia đình. Trong đó, số chó lai là 29.099 con, chiếm 15,80% tổng đàn; chó ngoại là 26.263 con chiếm 14,26% tổng đàn; chó ta là 121.902 con chiếm 66,9% tổng đàn. Riêng 5 huyện ngoại thành gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ có khoảng 63.088 con chó, mèo chiếm khoảng 34,26% tổng đàn của thành phố.
Sở NNPTNT TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM xem xét việc quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố. Trong có nội dung hạn chế nuôi các giống chó to, bản tính hung dữ như chó Pit Bull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila Brasileiros (Brazil)...
Đồng thời, Sở NNPTNT thành phố đề xuất chủ vật nuôi không thả chó nơi công cộng. Khi dắt chó ra ngoài, chủ vật nuôi phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh; chó được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải mang dụng cụ đựng chất thải và dọn sạch chất thải do chó thải ra môi trường.
“Các cá nhân, tổ chức hoạt động chăn nuôi có hành vi vi phạm các quy định về điều kiện nuôi và không thực hiện các trách nhiệm của chủ nuôi theo quy định này sẽ buộc phải có biện pháp khắc phục các vi phạm và bị xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành”, nội dung trong tờ trình Sở NNPTNT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM.
Theo thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến ngày 24/3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.