Sáng nay (1/4), thời tiết tại khu vực trung tâm TP.HCM có phần đỡ nắng nóng hơn hôm qua, trời nhiều mây kéo dài đến trưa. Nhiều người dân đi làm từ sáng, cảm thấy “dễ thở” hơn những ngày nóng gay gắt trước đó.
Anh Minh Vỹ (quận Gò Vấp, TP.HCM) đi làm từ 7 giờ sáng cho biết, anh cảm thấy thời tiết hôm nay khá dễ chịu, có gió, trời nhiều mây.
“So với hôm qua, hôm nay đỡ nắng hơn nhiều. Mọi hôm tôi đi làm từ 7 giờ sáng mà không đeo bao tay là đã cảm thấy rát da. Hôm nay tôi chạy thẳng đến cơ quan mà không mặc áo khoác dài tay, thời tiết vẫn nóng, nhưng vẫn còn chịu được”, anh Vỹ nói.
Đến khoảng 12 giờ trưa, nắng mới bắt đầu xuất hiện rõ tại trung tâm TP.HCM. “Hôm nào thời tiết cũng như thế này thì khá dễ chịu, đến trưa nắng mới bắt đầu, cảm giác oi bức mới xuất hiện, không như mọi hôm nắng từ sáng sớm cho đến chiều, đi làm rất vất vả”, một thanh niên chạy xe ôm công nghệ cho biết.
Theo kết quả dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ ngày 31/3, ngày 1/4 TP.HCM có nhiệt độ cao nhất từ 35 - 36 độ, thời gian nắng nóng trong ngày kéo dài từ 11 giờ đến 15 giờ.
Những quận được dự báo có nhiệt độ cao nhất ở TP.HCM gồm: Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, quận 12, Bình Tân, quận 1, quận 3… với nhiệt độ dao động từ 36 - 37 độ. Huyện Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM được dự báo có nhiệt độ cao nhất 34 độ.
Nắng nóng ở TP.HCM theo dự báo còn kéo dài trong nhiều ngày tới. Ảnh: Quang Sung
Từ ngày 1 - 10/4, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, xác suất mưa trên địa bàn TP.HCM là 0%.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/4 khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 36 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%.
Từ ngày 2 - 3/4, Nam Bộ có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ, có nơi trên 37 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45 - 50%. Nắng nóng ở khu vực Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt, kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư, do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Nhiệt độ dự báo và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2 - 4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Đó là lý do nhiều người di chuyển trong đô thị TP.HCM cảm thấy oi bức, nóng nực, đặc biệt là những con đường đông phương tiện lưu thông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.