Tranh cãi bài thơ "Bắt nạt" trong SGK Ngữ văn lớp 6: Dân mạng ào ào "bắt nạt" tác giả
Tranh cãi bài thơ "Bắt nạt" trong SGK Ngữ văn lớp 6: Dân mạng ào ào "bắt nạt" tác giả
Tào Nga
Thứ năm, ngày 12/10/2023 13:05 PM (GMT+7)
Ngay khi bài thơ "Bắt nạt" trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 được "xới lại", cư dân mạng đã liên tục vào Facebook cá nhân của tác giả và dùng những lời chỉ trích nặng nề.
Dân mạng "tấn công" Facebook tác giả bài thơ "Bắt nạt"
Mấy ngày qua, bài thơ "Bắt nạt" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh gây tranh cãi trên mạng xã hội. Bài thơ này nằm trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Bài thơ được trích từ tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" (Nhà xuất bản Thế giới, năm 2017, tr24-25).
Bài thơ này gây dậy sóng dư luận vào năm 2021 và năm 2022, vào mỗi dịp đầu năm học mới. Một số ý kiến cho rằng, bài thơ này không phù hợp với SGK, thậm chí yêu cầu loại bài thơ ra khỏi sách. Cuộc tranh luận nổ ra gay gắt trên cả trang cá nhân của chính nhà thơ.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, thạc sĩ Lý luận Văn học Lê Trần Diệu Thu nhận xét: "Nguyễn Thế Hoàng Linh là nhà thơ hiện đại. Thơ của ông phá vỡ những quy tắc thông thường cả về mặt nội dung và hình thức. Thơ đa nghĩa, mỗi người sẽ có cách hiểu khác nhau. Phụ thuộc vào nội dung giáo dục trong SGK và mục tiêu bài học mà khung kế hoạch, phân phối chương trình mà Bộ GDĐT ban hành. Giáo viên được quyền chọn lựa SGK, chọn lựa tác phẩm làm ví dụ minh hoạ để giảng dạy cho học trò.
Về kiểu loại và thể loại văn bản, với học sinh lớp 6, bài thơ "Bắt nạt" hoàn toàn phù hợp đưa vào chương trình để giảng dạy nhằm giúp các em hiểu sâu về đặc trưng thể loại. Bài thơ cũng có những ý nghĩa giáo dục nhất định đối với học trò".
Về việc tác giả bị dư luận chỉ trích nặng nề, theo thạc sĩ Thu: "Tác giả là người sáng tác, việc được chọn lựa đưa vào SGK phụ thuộc vào những người làm sách, có hội đồng chuyên môn thẩm định, đánh giá. Tác phẩm phải có giá trị, có ý nghĩa, mang tới bài học sâu sắc mới có thể vượt qua hội đồng thẩm định để đưa vào phân phối chương trình SGK. Việc nhiều người chưa thấy được cái hay, cái đẹp của một bài thơ quay sang chỉ trích tác giả là điều không nên làm và nên dừng lại. Tác giả chỉ là người sáng tác nghệ thuật. Việc sáng tác là quyền của mỗi người, miễn sao phù hợp với chuẩn mực đạo đức và không làm trái pháp luật. Lịch sử đã minh chứng có nhiều tác phẩm khi ra đời gặp nhiều sóng gió, không được độc giả đón nhận. Nhưng qua thời gian, góc nhìn khác con người lại thấy nó hay, nó đẹp".
Nhà văn Hồ Huy Sơn cho rằng: "Chúng ta là cần sòng phẳng, minh bạch trong chuyện này. Một tác giả khi viết đương nhiên không ai biết số phận tác phẩm của mình sau đó sẽ như thế nào, và việc nó được đưa vào SGK cũng là điều mà khi viết không ai nghĩ đến.
Một tác phẩm hay/dở tùy thuộc vào cảm nhận/cảm quan của mỗi người. Tuy nhiên, khi khen/chê một tác phẩm thì chúng ta chỉ nên căn cứ vào tác phẩm đó. Chỉ trích tác giả là việc mà tôi cho rằng thực sự vô lý và chúng ta cần phải dừng lại hành vi này. Bởi lẽ, viết một tác phẩm - dù tác phẩm đó có dở đến đâu, cũng không phải lỗi của tác giả".
Chất lượng giáo viên mới quyết định chất lượng giáo dục
Trao đổi với Dân Việt xung quanh phản ứng của dư luận bài thơ "Bắt nạt", với góc độ của một người từng là giáo viên, nhà thơ Thái Hạo nêu quan điểm: "Chuyện hay dở của một bài thơ hay tác phẩm nghệ thuật nói chung là không dễ kết luận, có những thứ từng hay, có những thứ sẽ hay, và có cả những bài đang hay nhưng rồi sẽ sớm bị lãng quên. Và ngay cả những tác phẩm hay một cách lâu dài thì cái hay đó cũng cần phải xem nó hay về khía cạnh nào, ngôn ngữ, văn hóa, sự mới mẻ độc đáo hay ý thức xã hội - chính trị... Cho nên, tranh cãi về chuyện hay dở này rất khó để đi đến hồi kết".
Nhà thơ Thái Hạo cho biết, ông không đánh giá cao bài thơ "Bắt nạt" về khía cạnh nghệ thuật, nhưng cũng không đến nỗi thấy nó như một "thảm họa" mà nhiều người đang nhận xét. Hơn nữa, ở một khía cạnh nào đó, như việc cảnh báo và giáo dục ý thức cho trẻ em trong mỗi quan hệ học đường, nó có tác dụng và ý nghĩa nhất định.
Nhà thơ Thái Hạo cho rằng, việc đưa một tác phẩm vào sách giáo khoa để làm ngữ liệu cho việc đọc văn tất nhiên phải đáp ứng những tiêu chí nhiều mặt. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, không nên mặc định nó là kinh điển/kinh thánh để học thuộc lòng nhằm coi đó như là mục đích tối hậu của việc học môn Ngữ văn trong nhà trường, và càng không nên quên rằng nó chỉ là văn liệu để giúp học sinh biết đọc văn và rèn luyện những năng lực quan trọng khác như viết, nói, nghe...
"Tôi đã từng đưa những bài văn dở cho học sinh đọc và từ đó cùng nhau mổ xẻ, tìm ra các bài học... Với tinh thần một chương trình nhiều bộ sách, tôi không quá nặng nề về chuyện hay dở của một tác phẩm hoặc một vài hạt sạn trong sách giáo khoa. Trong cái nhìn của tôi, chất lượng giáo viên mới quyết định chất lượng giáo dục. Với một thầy thuốc giỏi, nọc rắn có thể cứu người, nhưng với một thầy thuốc tồi, sâm quý cũng có thể giết người. Dùng một văn liệu như thế nào, việc ấy quan trọng hơn bản thân cái văn liệu ấy", nhà thơ Thái Hạo nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.