Tranh cổ động - một dòng tranh lịch sử

Thứ ba, ngày 30/04/2013 14:17 PM (GMT+7)
Có thể khẳng định ngay rằng trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, thành quả lớn nhất của hội họa Việt Nam là đồ họa hay nói kỹ hơn đó là dòng tranh cổ động chứ không phải hội họa giá vẽ hay điêu khắc.
Bình luận 0

Điều này cũng dễ hiểu bởi những năm tháng đó cả nước sống chung một mục đích, một tình cảm. Và hơn thế nữa, đời sống khó khăn hơn tới mức mà những vật liệu cho hội họa giá vẽ hiếm hoi như một điều xa xỉ. Trong khi đó tranh cổ động theo kỹ thuật đồ họa đơn giản hơn nhiều và sự lan tỏa của nó cũng rất rộng rãi, một bản khắc có thể in ra cả ngàn bức, thù lao cho tác giả cũng không đến nỗi nào.

Đồng hành theo suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động có được một diện mạo nghệ thuật điển hình của chủ nghĩa hiện thực XHCN. Đó là cách nhìn trực diện vào đề tài, là những khối, mảng màu sắc khỏe, đơn giản, nhưng vẫn chứa đựng đầy đủ lượng thông tin. Phải công nhận các họa sỹ ngày đó rất giỏi kỹ thuật đồ họa.

img
Tranh cổ động “Bác Hồ và em bé” của họa sĩ Trần Từ Thành

Đến giờ này, tôi vẫn còn nhớ những bức áp phích to dựng quanh hồ Gươm từng thời kì của các họa sỹ Trường Sinh, Trần Gia Bích, Nguyễn Thụ, Huy Oách, Phạm Lung... Nhớ bức “Thành đồng Tổ quốc” của Trường Sinh sử dụng mô típ chiếc khăn rằn ri của phụ nữ Nam Bộ chiếm toàn bộ mặt tranh gây một ấn tượng mạnh mẽ. Hay như bức “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Huy Oánh, Nguyễn Thụ làm sao có thể phai mờ trong tâm trí mỗi người.


Cũng phải kể đến loạt tranh cổ động theo mốc số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc, thật phong phú trong cách thể hiện. Từ 100,500,1.000 máy bay cho đến hết chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, con số đó đã là 4.000 chiếc. Ít có loại hình nghệ thuật nào theo kịp tính thời sự như vậy. Cũng ít có loại hình nghệ thuật nào đi vào đời sống nhanh và rộng như vậy. Cho đến hôm nay, ra Bờ Hồ, ở ngã tư Đinh Tiên Hoàng vẫn còn một bức lớn vẽ Cụ Hồ với cháu bé nhỏ và dòng chữ “Đến ngày thắng lợi chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của họa sĩ Nguyễn Thụ.

Đó dường như là một điều minh chứng cho một dòng tranh đã làm xong trách nhiệm của mình với đất nước ở những năm tháng cam go nhất của lịch sử. Ấy vậy mà nó vẫn đang tồn tại, cũng rất phong phú, nhưng lại ở một môi cảnh khác. Chuyện là cách đây chừng mươi, mười lăm năm, một số nhà sưu tập phương Tây đến VN lùng mua tranh cổ động thời chống Mỹ, vậy là có cung ắt có cầu, các gallery nhỏ ở HN và TP. HCM liền nhảy vào cuộc. Họ ráo riết tìm kiếm rồi tổ chức sản xuất nhân bản, và tất nhiên vẫn theo kĩ thuật cũ, thậm chí giấy cũng được làm cũ đi, để bày bán.

Thôi thì đó cũng là cách kéo dài đời sống của một dòng tranh. Nhưng ngẫm nghĩ vẫn cứ thấy chạnh lòng. Biết làm sao, cơ chế thị trường mà.

Trịnh Tú (Trịnh Tú)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem