Trâu dự án, bán đổi vô tư

Thứ bảy, ngày 25/06/2011 07:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ năm 2008 đến 2010, xã Phúc Khoa (Tân Uyên, Lai Châu) đã được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để mua trâu cái cấp cho các nhóm hộ nghèo nuôi luân phiên. Nhưng một số trâu đã bị sử dụng vào mục đích khác.
Bình luận 0

Để phát triển kinh tế - xã hội, các hộ nghèo ở xã Phúc Khoa được cấp trâu theo hình thức luân chuyển. Mỗi nhóm hộ được cấp 1 con trâu cái, giao cho các hộ chăn nuôi vừa lấy sức kéo trong sản xuất nông nghiệp, vừa để sinh sản. Sau khi trâu sinh sản, con nghé thuộc về hộ nuôi đầu tiên, còn con trâu mẹ sẽ được luân chuyển cho hộ khác nuôi.

Trong quá trình nuôi, các hộ trong cùng một nhóm nuôi trâu của dự án có thể mượn trâu làm sức kéo khi thời vụ. Theo báo cáo của xã Phúc Khoa, với mục tiêu này, trong 3 năm qua, 6 bản đặc biệt khó khăn của xã: Hô Ta, Nậm Bon, Nà Lại, Nà Khoang, Nậm Be, Nậm Bon đã được đầu tư hơn 300 triệu đồng để các nhóm hộ nghèo có trâu giống nuôi luân phiên và đã giúp nhiều hộ nghèo có những hiệu quả thiết thực.

Tuy vậy, khi tiếp xúc với các hộ nằm trong vùng hưởng lợi của dự án nuôi trâu luân phiên mới thấy hiệu quả của dự án đang bị hạn chế bởi phương thức quản lý nguồn vốn lỏng lẻo; một số trâu dự án đã chết hoặc bị hoán đổi sai mục đích, gây bức xúc với những hộ chăn nuôi. Trao đổi với chúng tôi, anh Lò Văn Hặc - Trưởng bản Hô Ta cho biết: “Năm 2010, bản được đầu tư 36 triệu đồng để mua 2 con trâu cái cho 2 nhóm hộ nghèo trong bản nuôi, mỗi nhóm hộ nuôi 1 con.

Nhưng do không thích nghi được với thời tiết, nên 1 con đã chết. Sau khi trâu chết, bản đã thông báo với xã xuống lập biên bản và chỉ đạo cho các hộ trong nhóm mổ trâu đem bán để thu lại vốn. Nhưng cả con trâu chỉ đổi được 400kg thóc. Vậy là cả nhóm 6 hộ đành chịu thiệt vì đến nay không được đầu tư con trâu khác”.

Nghe Trưởng bản Hặc nói chuyện có vẻ rất tâm tư nhưng khi chúng tôi xuống gặp trực tiếp các thành viên trong nhóm hộ thì nhận được câu trả lời thật thà: Khi trâu chết, các hộ tự mổ thịt chia đều cho các gia đình trong nhóm sử dụng. Riêng nhà ông Hoàng Văn Pưng được thêm 4 cái chân và đầu vì có công chăn nuôi trâu trước khi nó chết. Tìm hiểu về sự khác nhau trong câu trả lời giữa trưởng bản và bà con trong nhóm, chúng tôi được biết: Đây là sự chỉ đạo của xã bảo phải nói vậy khi có người đến tìm hiểu về trâu của dự án?

Bao giờ trâu đực mới đẻ

img Trong thời gian trưởng bản chăn nuôi, các hộ cùng nhóm có đến mượn trâu để đi cày nhưng không được trưởng bản cho mượn, vậy là chúng tôi phải đi mượn, thuê trâu của người khác. Rõ ràng cả nhóm có trâu mà thành ra chẳng có gì; dự án cấp cho người nghèo thành ra cấp cho cán bộ bản. img

Con trâu dự án của 6 hộ nghèo thuộc nhóm bản Nà Khoang không bị chết như ở bản Hô Ta sống hay chết cũng chẳng còn liên quan tới 5 hộ còn lại trong nhóm bởi nó đã được ông trưởng nhóm kiêm trưởng bản Sừn Văn No giành nuôi và đổi sang... trâu đực.

Ông Đèo Văn Cương - một thành viên của nhóm được phân chỉ tiêu nuôi trâu dự án trong năm đầu, cho biết: “Khi tôi nhận trâu về nuôi được 5 ngày, cả gia đình đang rất phấn khởi, dồn tâm sức chăm chút con trâu để lấy sức kéo, phân bón và con giống trong vụ tới thì trưởng bản xuống dắt trâu về nuôi mà tôi không rõ lý do gì.

Trong thời gian trưởng bản chăn nuôi, các hộ cùng nhóm có đến mượn trâu để đi cày nhưng không được trưởng bản cho mượn, vậy là chúng tôi phải đi mượn, thuê trâu của người khác. Rõ ràng cả nhóm có trâu mà thành ra chẳng có gì; dự án cấp cho người nghèo thành ra cấp cho cán bộ bản" - ông Đèo Văn Cương.

Giành nuôi trâu với các hộ trong nhóm đã đành nhưng ông trưởng bản No còn có "sáng kiến" để sở hữu con trâu dự án bằng cách đem đổi con trâu cái được cấp để lấy một con trâu đực khác mà không cần tham khảo ý kiến của các hộ trong nhóm. Theo lộ trình "giúp dân xoá nghèo" của dự án thì con trâu cái sau 1-2 năm chăn nuôi sẽ sinh sản và khi ấy con trâu mẹ sẽ được chuyển cho hộ khác nuôi.

Nhưng với "sáng kiến" của ông No thì các hộ dân nghèo trong nhóm cứ dài cổ mà ngóng cũng chẳng bao giờ đến lượt mình được trâu nuôi bởi trâu đực làm sao mà đẻ được. Giải thích về việc tự ý đổi trâu cái lấy trâu đực, ông No cho rằng con trâu cái mà dự án cấp quá nhát không thể luyện cày, bừa được nên ông No đã hỏi ý kiến ông Hiển - Chủ tịch UBND xã và được ông này đồng ý cho đổi?

Trò chuyện với những hộ trong bản về câu trả lời của ông trưởng bản No, ai cũng phải bật cười bởi lẽ đã là trâu thì chẳng có con nào nhát đến nỗi không chịu kéo cày, tha bừa, giúp nông dân làm ruộng. Hơn thế nữa, đây còn là nguồn trâu giống trên cấp để hỗ trợ dân nghèo vậy mà ông No tự tiện đổi sang trâu đực từ bao giờ, chỉ khi thấy con ông đi chăn thả thì dân bản mới biết. Vậy là lòng tham của trưởng bản Nà Khoang gặp được sự bàng quan của Chủ tịch xã đã biến nguồn vốn của dự án thành của riêng nhà quan bản trước sự bức xúc của người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem