28 năm trước trên miền đất ngỡ như đang thiêm thiếp ngủ từ buổi hồng hoang, tiếng súng phát lệnh khởi công công trình thủy lợi A Yun Hạ đã vang lên - để rồi một biển lúa vàng 13.500ha đã trỗi dậy giữa vùng đất khô khát như có phép màu…
Cuộc “cách mạng” bắt bò cày ruộng…
Cái tin vụ đông xuân vừa rồi nông dân Ia Yeng có người đạt năng suất tới 10 tấn/ha đã khiến tôi tìm về xã Yeng để thăm lại Đinh Nhiêu. Con đường bêtông phẳng lỳ cắt qua cánh đồng thảm một màu vàng ngút mắt. Mới mươi năm mà cảnh vật đã trở nên lạ lẫm khiến tôi phải vừa đi vừa hỏi. Nghỉ hưu mấy năm rồi nhưng cựu Chủ tịch Hội Nông dân Phú Thiện vẫn còn năng động. Ông kể tôi nghe chuyện nuôi cá, nuôi lươn thử nghiệm… Nhắc lại chuyện cũ, ông cười xòa: “Lâu lắc rồi mà. Ờ nhưng anh muốn thì kể, xem như một kỷ niệm vui…”.
Đó là năm 1983. Sau hơn 10 năm cầm súng đánh giặc, Đinh Nhiêu xin chuyển ngành về quê vợ làm Bí thư. Đúng lúc mất mùa. Cả xã Ia Yeng ai cũng vật vờ vì đói. Nhìn ra cánh đồng mịt mùng hoang dã, Đinh Nhiêu hiểu ngay sự tình. Thật ra thì chẳng riêng năm mất mùa, bà con cứ đeo đẳng cây lúa rẫy thì cái đói sẽ còn ám mãi… Một kế hoạch đã vạch sẵn trong đầu, ông xuống Bình Định nhờ anh em đơn vị cũ chỉ cho cách làm lúa nước. Nắm được kỹ thuật rồi, ông trở về lọ mọ đo vẽ, tính toán bình độ để làm mương dẫn nước về…
Với đồng đất A Yun Hạ bây giờ, năng suất bình quân của một vụ mùa từ con số 10 -15 tấn/ha đã được coi là kỷ lục, bây giờ có hộ đã đạt tới 17-18 tấn/ha. Ảnh: N.T
Mọi thứ chuẩn bị đâu đó mới họp dân vận động. Cứ ngỡ bà con sẽ ôm lấy mình mà hoan hô, ai ngờ tai ông như bị vỡ ra vì những tiếng la ó: “Lệ ông bà, Yang H’ri (thần lúa) ở trên cạn. Nay bắt xuống nước thì Yang chết đuối. Dân đã đói nó còn muốn cho chết thêm nữa đây”. Ngẫm tình thế này nếu cứ thuyết suông thì mấy ngày cũng chẳng chuyển mà thời vụ đến nơi rồi…
Ông đứng phắt lên, cầm con dao chém vào cột nhà thề: “Nếu Yang H’ri chết đuối làm bà con đói thêm, Nhiêu này sẽ bán hết tài sản đền rồi thắt cổ chết trước mặt dân làng, được chưa?”.
Ông làm tờ cam đoan rồi mời già làng ký tên làm chứng. Chừng như hả dạ, ai nấy hể hả ra về… Tưởng thế đã xong, nào ngờ hôm sau lại phải đi từng nhà chèo kéo. Rát cả họng cuối cùng người ta mới chịu 5 hộ làm 1 sào! Đã thế làm cho mình nhưng không thấy ông là người ta lén bỏ đi chơi, thậm chí trốn.
Còn nhớ ngày trước Thái Bình được mệnh danh “quê lúa”, năng suất đạt tới 5 tấn đã được coi là thần tượng thì với đồng đất A Yun Hạ bây giờ, đấy mới chỉ là năng suất bình quân của một vụ mùa. Thế nên nếu tôn vinh “vua lúa” về mặt năng suất thì trên đồng đất A Yun Hạ bây giờ không hiếm những nông hộ giữ “ngai”. Từ con số 10 -15 tấn/ha đã được coi là kỷ lục, bây giờ có hộ đã đạt tới 17-18 tấn/ha.
|
Hiểu rằng nếu thất bại thì tờ cam đoan kia không phải chuyện đùa, Đinh Nhiêu không dám về nhà. Có ngày ông phải nướng bắp khô ăn thay cơm để nằm trực tại đồng, hai mắt trũng sâu như ống lồ ô. Vợ ra thăm thấy thế chỉ còn biết bưng mặt khóc...
Cuối vụ năm đó, ai ngờ mỗi sào không chỉ thu được 18 bao như Nhiêu cam đoan mà những 22 bao! Những người chống đối hăng bây giờ chỉ còn biết ngậm miệng đưa mắt nhìn nhau… Vụ sau thì khỏi vận động. Cái đói biến mất như có phép lạ. Người ta dường như đã quên mất Yang H’ri ở đâu…
Nếu Đinh Nhiêu mở “cuộc cách mạng lúa nước” cho đồng bào dân tộc ở cánh đông thì Rơ Mah Ét là người mở “cuộc cách mạng bắt bò cày ruộng” ở cánh nam. Lúc đó ông là Phó Chủ tịch xã phụ trách mảng nông nghiệp.
Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Thiện bấy giờ là cán bộ quân đội tăng cường có cái tên rất ấn tượng: Ngô Quyết Thù. Thấy đồng bào cuốc ruộng cực nhọc, ông Thù chật vật thuần hóa mấy con bò để dạy bà con học cày. Tuy nhiên, bảo đến ai người ta cũng cứ giãy nảy. Cuối cũng chỉ mình Rơ Mah Ét chịu học. Ông Thù không biết bắt bò cày là đụng đến niềm tin tâm linh của bà con. Với họ, bò là con vật chỉ để cúng Yang. Đầy đọa con vật để hiến tế của mình Yang sẽ nổi giận.
“Năm 1996 nước A Yun Hạ về tới. Dân kinh tế mới đổ vào và “cuộc cách mạng lúa nước” bắt đầu bùng nổ. Thế nhưng, với bà con dân tộc dù ruộng đã được Nhà nước san ủi, mương máng đưa nước về tận nơi, họp chia ruộng vẫn không ai chịu nhận. Chúng tôi dọa: Nếu bà con không nhận, hợp tác xã sẽ gọi dân Bình Định lên làm. Thế nhưng, cuối cùng cũng chỉ có tôi và ông Ksor Ký. Nhận ruộng xong, tôi hăm hở bắt bò ra cày. Vừa mới được mấy đường, chợt nghe tiếng la hét dữ dội. Ngẩng lên thì ra là ông cậu ruột. Với vẻ mặt tức giận đến tột độ, ông chỉ tay vào mặt tôi quát: “Đồ lười! Mày sức vóc thế kia sao không cuốc mà bắt bò cày? Con bò từ đời ông bà chỉ cho đi chơi để cúng Yang. Nay mày bắt nó kéo cày cực nhọc, lấm láp, Yang làm sét đánh chết mày, làm dân làng ốm đau thì sao hả?”. Tôi nén nỗi bực, cố cười cười cho ông hết giận: “Cậu coi người Kinh đang cày đầy đồng kia kìa, sao sét không đánh họ? Cậu cứ về đi, có gì tôi chịu cho…”, ông Rơ Mah Ét cười khi nhớ lại.
Thấy có vẻ không lay chuyển được thằng cháu cứng cổ, ông giậm chân thình thịch đi về… May năm ấy trong làng không xảy ra chuyện gì, lúa của Rơ Mah Ét mỗi sào thu được tới 1,2 tấn - gấp 10 lần làm lúa rẫy nên chẳng ai chọc phá gì được nữa. Vậy mà phải 2 năm sau bà con mới chịu nhận ruộng làm…”
Người “ngự” trên 200 tấn thóc
Khi nghe ở tổ 13, thị trấn Phú Thiện có gia đình ông Nguyễn Lâm Thoa mỗi năm làm ra tới 200 tấn lúa, tôi không khỏi bán tín bán nghi. Là vì con số ấy đến các phú hộ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng chẳng dễ gì có được… Bây giờ thì cái cơ ngơi của ông với 2 sân phơi lúa rộng 600m2, kho thóc sức chứa 100 tấn, 2 máy dầm đất, một máy tuốt để phục vụ cho 13ha ruộng nước, 10ha đất màu đã lặng lẽ khẳng định con số kia là hoàn toàn sự thật…
Vốn quê ở Yên Khánh (Ninh Bình) đất chật, người đông, thiên tai triền miên, gia đình Nguyễn Lâm Thoa mỗi năm được hợp tác xã chia cho vỏn vẹn 500kg thóc... Miếng cơm đã thiếu, cọng rau ăn có khi phải lấy bèo tây muối dưa thay… Bức bách, năm 1985 gia đình ông gia nhập đoàn quân kinh tế mới đến Phú Thiện. Chỉ 1.500m2 đất thổ cư và 2 sào đất ruộng được chia nhưng nung nấu ý chí thoát nghèo, gia đình ông đã cần cù bám đất, lao động sáng tạo. Không chỉ thoát nghèo sau vài năm đến vùng đất mới, Nguyễn Lâm Thoa còn tích vốn để mua thêm đất, mở rộng sản xuất. Cuộc sống của gia đình ông cứ thế tiến dần lên… Bây giờ thì 200 tấn thóc gia đình ông thu được là bằng cả số thóc xóm Thượng quê ông ngày xưa gộp lại. Không đơn thuần ý nghĩa biểu đạt của số học, nó là sự hàm chứa hơi thở phì nhiêu của một đồng đất trong lớp lớp những va đập kết tinh nên…
Và tôi cũng biết không chỉ mỗi mình Nguyễn Lâm Thoa, ông Thắng ở thôn Thắng Lợi, xã Ia Sol (Phú Thiện) cũng là một “vua lúa” khác. Với 15ha đất lúa hai vụ, mỗi năm gia đình ông thu hơn 200 tấn thóc… Nể phục hơn, có hộ như ông Thái ở thôn Thanh Bình, xã Ia Peng còn khẳng định với tôi rằng, năng suất ruộng nhà ông đạt hơn 19 tấn/ha/năm… Điều đáng nói là không chỉ với những nông dân Kinh có kinh nghiệm canh tác lúa nước truyền đời, nông dân Jrai mới quen với văn minh lúa nước cũng không kém xa là mấy… Hộ ông Rơ Mah Dmeo ở thôn Rbai, xã Ia Piar (Phú Thiện) chẳng hạn. Ông Dmeo có hơn 3ha lúa nước, năng suất vụ đông xuân đã đạt hơn 8 tấn/ha. A Yun Hạ quả là đồng đất trời ban…
Ngồi bên chân dòng kênh tuôn nước ào ạt qua cánh đồng chấp chới sắc vàng của một vụ gặt đang sắp sửa, tôi nhớ cái cảm giác hoang hoải khi lần đầu đặt chân đến A Yun Hạ: Một sắc vàng thảo dã miên man giữa loi thoi dăm căn nhà sàn xiêu vẹo, run rẩy sau những làn khói đốt đồng… A Yun Hạ đã tạo nên một cuộc cách mạng lay chuyển tận gốc rễ những gì cũ kỹ, chèo kéo con người.
Gió đồng Ayun Hạ vẫn miên man đưa đẩy cái hương mùa mới dậy. Tưởng như ché rượu cần vừa uống còn phảng phất đâu đây mùi thơm hạt gạo đầu mùa...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.