Trên trồng cây cảnh, dưới nuôi cá rô đầu vuông, nông dân Thái Bình có ít đất vẫn thu nhập cao

Thứ tư, ngày 20/07/2022 07:00 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hình thức hỗ trợ hội viên về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, giúp hội viên yên tâm phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Gia đình anh Nguyễn Văn Nghiệp, thôn Phú Hội, xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có 5 sào đất nằm xen kẹp trong khu dân cư nhưng không đem lại lợi ích kinh tế. Năm 2005, anh Nghiệp tham gia lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân huyện tổ chức và đã học được nghề làm cây cảnh, nuôi cá rô đầu vuông. Nhờ hướng đi đúng và được hội nông dân hỗ trợ về khoa học kỹ thuật nên mô hình của anh Nghiệp hiện nay là một trong những mô hình hiệu quả của xã.

Trên trồng cây cảnh, dưới nuôi cá rô đầu vuông, nông dân Thái Bình có ít đất vẫn thu nhập cao - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây cảnh, nuôi cá rô đầu vuôn của nông dân Nguyễn Văn Nghiệp (người ngoài cùng bên phải) cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Nghiệp cho biết: Trên diện tích 5 sào đất, tôi dành hơn 3 sào để đào ao, thả cá rô đầu vuông, còn lại trồng các loại cây ăn quả và cây cảnh như: sanh, si, cây bonsai; sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu về gần 300 triệu đồng/năm. Nuôi cá rô đầu vuông mang lại hiệu quả cao bởi cá có sức đề kháng tốt, chất lượng thịt thơm ngon, không bị tanh như các loại cá khác. Một mét vuông ao nuôi cho thu từ 35 - 37kg cá rô đầu vuông/vụ nuôi.

Cũng như anh Nghiệp, mô hình nuôi ốc nhồi của nông dân Nguyễn Hữu Hiếu, thôn Duyên Nông, xã Điệp Nông cho hiệu quả kinh tế khá cao. Từ 2ha đất ruộng chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả, anh Hiếu đã xin chuyển đổi để xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi trong nhà bạt. Anh Hiếu chia sẻ: Ốc nhồi là loài siêu đẻ, ít tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn dễ kiếm nên tôi đã trồng nhiều loại cây hai bên bờ ao để làm nguồn thức ăn cho ốc. Không chỉ nuôi ốc thương phẩm, tôi còn xuất bán ốc giống đi nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc, sau khi trừ chi phí mô hình của tôi thu về gần 1 tỷ đồng mỗi năm.


Trên trồng cây cảnh, dưới nuôi cá rô đầu vuông, nông dân Thái Bình có ít đất vẫn thu nhập cao - Ảnh 2.

Hội Nông dân huyện Hưng Hà tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan, học tập mô hình nuôi ốc nhồi của nông dân Nguyễn Hữu Hiếu.

Nông dân Nguyễn Văn Nghiệp và Nguyễn Hữu Hiếu chỉ là hai trong số rất nhiều hội viên được Hội Nông dân huyện Hưng Hà khen thưởng trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Ông Nguyễn Hữu Đích - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Hà chia sẻ: Các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh; chú trọng thực hiện các chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội viên tích cực tham gia thực hiện đề án sản xuất lúa gạo và cây màu vụ xuân; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tích tụ ruộng đất để trồng cây cà rốt, cây ngưu tất đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Toàn huyện có 90% hội viên đăng ký thực hiện phong trào. Hỗ trợ hội viên, các cấp hội đã tổ chức 35 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 2.400 lượt hội viên; cung ứng gần 330 tấn phân bón trả chậm, 12 tấn lúa giống và giống cây màu; phối hợp tổ chức 6 lớp đào tạo nghề cho 210 hội viên, tạo việc làm mới cho 140 hội viên; vận động hội viên giúp nhau 125 triệu đồng, vật tư, cây giống, con giống trị giá 152 triệu đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các chi hội đăng ký giúp đỡ trên 500 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.

Giúp đỡ hội viên về vốn, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngân hàng duy trì hiệu quả 247 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ hơn 111 tỷ đồng cho hơn 5.200 lượt hội viên vay phát triển sản xuất. Hội Nông dân huyện Hưng Hà còn chỉ đạo 9 tổ hợp tác, 3 tổ hội nông dân nghề nghiệp và các cơ sở hội chủ động liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho hội viên; phối hợp với Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh lập danh sách các sản phẩm đủ tiêu chuẩn để đưa lên sàn thương mại điện tử nhằm giúp đỡ hội viên về đầu ra sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Đích, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Hà cho biết thêm: Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của hội viên nông dân. Hội nông dân các xã, thị trấn đã phát huy được lợi thế từ tự nhiên, kinh nghiệm của hội viên để xây dựng được những mô hình nông nghiệp xanh, có hiệu quả kinh tế cao, đem lại những sản phẩm chất lượng và xây dựng được thương hiệu đối với khách hàng. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ chủ động liên kết với các doanh nghiệp đa dạng kênh hỗ trợ hội viên về vốn, giống và tiêu thụ nông sản, giúp hội viên yên tâm sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.


Tiến Đạt (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem