Qua thời rẻ mạt cho không ai lấy, "sâm người nghèo" có giá trở lại, nông dân Thái Bình trồng lại có tiền rủng rỉnh

Thứ ba, ngày 07/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu hàng hóa, trong đó có trồng đinh lăng là hướng phát triển mới trong nông nghiệp ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), bước đầu cho hiệu quả kinh tế ổn định, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Bình luận 0

Những năm qua, ông Phạm Thế Hùng, xã Nam Hồng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã mạnh dạn đầu tư mua các giống cây dược liệu như đinh lăng, cà gai leo, sả, hòe để chuyển đổi cây trồng trên diện tích 3ha. 

Năm đầu trồng thử nghiệm, hầu hết cây không phát triển, còi cọc chết dần. Không nản chí, ông Hùng học hỏi kinh nghiệm của các trang trại trồng dược liệu ở tỉnh bạn và qua sách, báo để nắm bắt kỹ thuật trồng... 

Trời không phụ công người, từ những kiến thức đã được học áp dụng vào thực tế diện tích cây dược liệu của ông Hùng bắt đầu phát triển, trong đó hơn 3 mẫu trồng cây đinh lăng mang lại hiệu quả cao nhất. 

Theo ông Phạm Thế Hùng, đinh lăng là cây dược liệu có giá trị, dễ chăm sóc.

Qua thời rẻ mạt cho không ai lấy, "sâm người nghèo" có giá trở lại, nông dân Thái Bình trồng làm giàu - Ảnh 1.

Nông dân xã Nam Hồng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trồng cây dược liệu, trong đó có trồng cây đinh lăng ta mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Hùng, trồng đinh lăng chỉ cần bón một ít phân chuồng đã hoai mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt. Cây đinh lăng trồng từ 2 - 3 năm là thu hoạch, thị trường thu mua loại cây này trong nước hiện nay khá ổn định. 

Thu nhập từ diện tích trồng đinh lăng nói riêng và cây dược liệu nói chung của ông Hùng đạt trên 300 triệu đồng/năm.

Không chỉ có ông Hùng mạnh dạn đầu tư để trồng cây dược liệu mà hiện nay nhiều hộ nông dân ở Tiền Hải đã thay đổi cách nghĩ, cách làm cải tạo đất hoang hóa cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật để nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế ổn định cho gia đình.

Bà Trần Thị Tươi, xã Nam Thắng chia sẻ: Trước kia đất vườn nhà tôi bỏ hoang, ruộng lúa cho năng suất thấp. Từ khi tham gia trồng 1 sào cây dược liệu là cây xạ can đã cho năng suất rất tốt. 

Trồng cây dược liệu không đòi hỏi cao về kỹ thuật, không tốn nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu thấp và nhất là yên tâm về đầu ra khi thu hoạch sản phẩm. 

Với 1 sào ruộng và đất vườn trồng cây xạ can xuất bán được hơn 1,5 tạ củ và rễ cây đem lại thu nhập 12 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác. Hiện nay tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây xạ can để phát triển kinh tế gia đình.

Trồng dược liệu đem lại nguồn lợi kinh tế cho nông dân là điều không thể phủ nhận. Theo ông Vũ Văn Biền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thắng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), hiện nay hội nông dân các cấp đã liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức trồng và bao tiêu sản phẩm cho bà con. 

Qua thời rẻ mạt cho không ai lấy, "sâm người nghèo" có giá trở lại, nông dân Thái Bình trồng làm giàu - Ảnh 3.

Nông dân xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) trồng cây xạ can mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.

Mô hình trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Đồng thời, mô hình này cũng giúp người nông dân có thêm thu nhập để phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Mô hình liên kết “4 nhà” trồng cây dược liệu của Hội Nông dân xã Nam Thắng đã thu hút nhiều hội viên tham gia với tổng diện tích gần 10ha đất vườn và đất ruộng chuyển đổi để trồng cây xạ can.

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải cho biết: Cũng như các loại cây trồng khác, cây dược liệu rất cần có quy hoạch vùng sản xuất đủ lớn và liên kết cùng doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Có như vậy, việc tích tụ ruộng đất trồng cây dược liệu mới thực sự đem lại hiệu quả và phát triển bền vững. Hội Nông dân huyện Tiền Hải đã liên kết với Công ty Chế biến dược liệu Hải Phòng để tiêu thụ, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây dược liệu cho nông dân.

Theo thống kê, giá trị kinh tế cây xạ can đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm; cây đinh lăng đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Ngoài liên kết giúp hội viên phát triển trồng cây dược liệu, Hội Nông dân huyện còn khai thác, quản lý có hiệu quả nguồn vốn của các ngân hàng, Quỹ hỗ trợ nông dân cho hội viên vay phát triển kinh tế với số tiền trên 500 tỷ đồng cho 11.264 lượt hội viên vay. 

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp đỡ hội viên vay vốn, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao nhận thức, kinh nghiệm cho hội viên, giúp hội viên vươn lên làm giàu chính đáng.


Mạnh Thắng (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem