Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”: Công bố thêm nhiều tư liệu quý giá

Thứ năm, ngày 11/07/2013 08:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Tôi cảm thấy vững tin khi được thấy những bằng chứng lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ hàng trăm năm nay".
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của bác Hồ Đông Lĩnh (quận Hà Đông, Hà Nội) tại triển lãm đang diễn ra ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" khai mạc ngày 9.7 tại Hà Nội và kéo dài một tuần. Gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.

img
Ông Hồ Đông Lĩnh trú tại tổ 1, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội, cùng vợ tham quan triển lãm.

Các tư liệu được chú thích bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Trung Quốc, tập trung vào giai đoạn từ đầu thế kỷ 17 cho đến cuối thế kỷ 19 - thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Các tư liệu từ phía Trung Quốc gồm 3 cuốn atlas (tập bản đồ chính thức) xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933 đã được trưng bày. Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh đề ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó.

Đánh giá cao cuộc triển lãm, ông Đỗ Quý Doãn- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Triển lãm này là những bằng chứng lịch sử, sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, thông qua các chứng cứ lịch sử mà các quốc gia phương Tây, các triều đại phong kiến, chính quyền Nhà nước Việt Nam, Trung Quốc công bố".

img Lớp trẻ cần biết chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Triển lãm góp phần quan trọng không phải bằng những bài giảng khô khan mà bằng những hình ảnh cụ thể, sinh động để tự nó nói lên tất cả img

Giáo sư sử học Phan Huy Lê

Triển lãm còn trưng bày các nhóm tư liệu chính như phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20; tập bản đồ gồm 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, các nước phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ 16 đến nay; một số tư liệu, văn bản, ấn phẩm của các nước phương Tây từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Ông Phạm Minh Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ cảm tưởng khi tham quan triển lãm: "Từ thế kỷ 17, các vị vua vĩ đại và thông thái của Việt Nam đã có những việc làm và hành động khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, tôi đề nghị cần mở các triển lãm như thế này ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước để toàn dân ta hiểu hơn về Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta cần phát động lâu dài, để các kiều bào, các bạn trẻ là sinh viên đang học tập ở nước ngoài cũng được biết thông tin về cuộc triển lãm này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem