Một hình mẫu cơ thể được trưng bày trong triển lãm.
Bày tỏ quan điểm về sự kiện triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đang diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú) cho rằng, hiện vật được trưng bày trong triển lãm này là những hiện vật đặc biệt mang yếu tố tâm linh.
Nguồn gốc của những bộ phận cơ thể, xác người là những hiện vật trong cuộc triển lãm rất cần phải được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc triển lãm giải trình, làm rõ.
Theo luật sư, hoạt động này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội trong hoạt động tổ chức cuộc triển lãm này.
Ở góc độ pháp luật, việc hiến bộ phận cơ thể, hiến xác được quy định tại Điều 35 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì những mục đích sau: Chữa bệnh cho người khác; nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
Ngược lại, cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình còn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Việc hiến bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.
Như vậy, với quy định rất rõ ràng về mục đích của việc hiến tặng và nhận bộ phận cơ thể, xác người hiến tặng nêu trên thì chưa cần xét tới việc đơn vị tổ chức triển lãm có được những bộ phận cơ thể, xác người chết có hợp pháp hay không thì với việc sử dụng những bộ phận cơ thể người, xác người vào mục đích triển lãm đã là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong trường hợp, đơn vị sở hữu những hiện vật đem triển lãm có được những bộ phận cơ thể, xác người một cách bất hợp pháp (đào trộm, mua bán…) thì hành vi này còn có dấu hiệu của “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 319 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Ở góc độ đạo đức xã hội, việc tiến hành đem những bộ phận cơ thể, xác người đã chết vào một cuộc triển lãm, bán vé thu tiền (mục đích thương mại) là hành vi trái luân thường, đạo lý, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Theo luật sư Trương Anh Tú, trong văn hóa Á đông nói chung cũng như của dân tộc Việt Nam nói riêng, khi một người đã chết thì phần xác của họ cần phải chôn cất theo đúng phong tục tập quán với ý niệm là để người chết được yên nghỉ ở nơi vĩnh hằng. Khi được pháp luật cho phép, trước khi chết những người hiến tặng bộ phận cơ thể, hiến xác được hiến tặng bộ phận cơ thể của mình cho những mục đích được pháp luật quy định rất hạn chế đó là mục đích chữa bệnh, mục đích nghiên cứu khoa học, và có thể thấy đây là những ý nguyện vô cùng cao đẹp của người hiến tặng.
"Do vậy, khi đã nhận được bộ phận cơ thể, xác của người hiến tặng thì cá nhân, tổ chức cần phải sử dụng vào đúng mục đích pháp luật cho phép và theo ý nguyện của người hiến tặng. Thực hiện đúng điều này mới thể hiện được hết hành động nhân văn và cũng là tôn trọng ý nguyện của người đã khuất. Do vậy, việc đơn vị tổ chức cuộc triển lãm lại đem bộ phận cơ thể của họ dùng vào việc trưng bày, bán vé thu tiền với mục đích thương mại thì rõ ràng đã làm trái với ý nguyện của người đã khuất, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và rất đáng bị lên án", LS Trương Anh Tú cho hay.
Đ.B (Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.