Những động thái của Triều Tiên trong thời gian gần đây đã làm thay đổi rất đáng kể cục diện chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á và tác động trực tiếp tới quan hệ của nước này với các nước láng giềng trong khu vực và với Mỹ.
Sẽ không quá lời khi cho rằng một cuộc chơi chính trị và địa chính trị mới đã được khơi mào ở nơi này.
Bắt đầu bằng việc tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, Triều Tiên phóng tên lửa đẩy vệ tinh lên quỹ đạo và rồi đóng cửa khu công nghiệp Keasong ở vùng giáp biên giới với Hàn Quốc.
Hình ảnh Triều Tiên thử tên lửa hồi năm 2012.
Thử hạt nhân thôi chứ chưa nói tới thử bom hạt nhân hay bom nhiệt hạch và thử tên lửa đạn đạo đều là những việc Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc (LHQ) cấm và cũng vì bất chấp sự cấm đoán này mà Triều Tiên bị LHQ cùng với Mỹ, EU và một số đối tác khác áp dụng những biện pháp cấm vận và trừng phạt về chính trị, kinh tế, tài chính và thương mại từ đã nhiều năm nay.
Khu công nghiệp Keasong không chỉ là một nguồn ngoại tệ quan trọng đối với Triều Tiên mà còn là sự hiện hữu của mối liên hệ trực tiếp thường xuyên gần như duy nhất giữa hai nước trên bán đảo Triều Tiên và đóng vai trò chiếc hàng thử biểu chính xác nhất về thực trạng quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Từ đó có thể dễ dàng nhận thấy vì những động thái mới nói trên mà quan hệ hiện tại của Triều Tiên với các nước láng giềng trong khu vực và với Mỹ đã trở nên căng thẳng hơn và phức tạp hơn.
Phản ứng của LHQ và 4 đối tác này vẫn theo mô thức xưa nay. Cùng với việc thể hiện sự phản đối, họ có những biện pháp mới riêng. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dự tính sẽ xiết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, đẩy mạnh hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh cũng như tăng cường tiềm lực quân sự.
Mới đây nhất, Mỹ quyết định triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ hiện đại ở Hàn Quốc. Trung Quốc vừa phê phán Triều Tiên vừa kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế. Mô thức phản ứng và đối phó này của LHQ, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn không hề lạ lẫm gì đối với Triều Tiên.
Dù vậy, thực trạng hiện tại trong khu vực không còn chỉ là sự tiếp tục của tình trạng tồn tại lâu nay mà đã hình thành cuộc chơi chính trị an ninh và chính trị ngoại giao mới. Cái mới là sự bất chấp của Triều Tiên.
Triều Tiên đã đi xa hơn trước rất đáng kể trong việc thách thức tất cả các đối tác kia và chấp nhận một hậu quả là bị cô lập hơn trước ở trong cũng như ngoài khu vực. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu đối nội, nguyên do đối với Triều Tiên là cảm nhận về mối đe dọa an ninh trực tiếp từ phía Mỹ và Hàn Quốc, từ những điều chỉnh của Nhật Bản về chính sách quân sự, quốc phòng và an ninh cũng như là lo ngại về khả năng Trung Quốc thay đổi chính sách đối với Triều Tiên.
Vì thế, thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, dù thành công hay thất bại, dù núp dưới danh nghĩa thử bom nhiệt gạch hay phóng đẩy vệ tinh lên quỹ đạo, là cách thức duy nhất và hiện cũng hiệu quả nhất để Triều Tiên vừa trấn an bên trong vừa tăng vị thế đối với bên ngoài, vươn nhằm tới sự công nhận "ngang bằng" với các cường quốc hạt nhân và vũ trụ để có con chủ bài sáng giá sử dụng trong quá trình đàm phán sau này với các đối tác liên quan.
Cuộc chơi mới đang định hình ở nơi đây vì Mỹ và Trung Quốc sẽ không để cho Triều Tiên "ngang bằng" với mình và sẽ không công nhận điều đó, cũng còn vì không muốn Nhật Bản và Hàn Quốc đòi vũ trang hạt nhân.
Chạy đua vũ trang sẽ quyết liệt hơn và sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng ở khu vực. Các bên sẽ không xô đẩy nhau và chiến tranh thực thụ như thủa xưa nhưng sẽ tăng cường vũ trang và tiềm lực quân sự.
Cuộc chơi mới đang khởi đầu ở khu vực vì Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc còn tận dụng những diễn biến mới này để gia tăng áp lực đối với cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên theo hướng thúc ép Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên để buộc nước này tuân thủ những nghị quyết liên quan của LHQ, từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, trở lại bàn đàm phán cũng như phân hoá Trung Quốc với Triều Tiên, khiến Trung Quốc càng thêm khó xử. Có thể nói là cuộc chơi mới này trong chừng mực nhất định mang tính định mệnh đối với Triều Tiên và tiềm ẩn không ít rủi ro đối với các đối tác khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.