Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham gia cuộc họp báo chung tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên hôm 19.9.2018. Ảnh: Reuters.
Trong đoạn phim tài liệu phát sóng hôm 2.10, cơ quan thông tấn trung ương Triều Tiên khẳng định việc tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đáng lẽ “phải được thực hiện cách đây nửa thế kỷ trước”, đồng thời cho rằng đây là bước đi “cơ bản và chủ chốt nhất trong tiến trình thiết lập mối quan hệ song phương hòa bình giữa Bình Nhưỡng và Washington”.
Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 6 tại Singapore, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã cùng nhất trí “xây dựng một nền hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”. Thế nhưng, phía Mỹ muốn Triều Tiên trước tiên phải công khai toàn bộ chương trình hạt nhân và có những bước tiến “không thể đảo ngược” trong việc từ bỏ kho hạt nhân. Nếu việc này hoàn tất, Washington và Bình Nhưỡng mới có thể tiến tới dỡ bỏ cấm vận, chính thức tuyên bố kết thúc chiến tranh,…
Tuy nhiên, bình luận trong bộ phim tài liệu, KCNA phản bác rằng không thể lấy việc tuyên bố kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình một cách chính thức làm lá bài mặc cả cho việc phi hạt nhân hóa. Trong trường hợp Washington không muốn kết thúc chiến tranh, Bình Nhưỡng cũng sẽ “không hi vọng nhiều về việc đó”.
“Triều Tiên đang có những bước đi đáng kể và quan trọng để thực thi tuyên bố chung của thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Thế nhưng, nước Mỹ vẫn đang cố bắt người khác phải phục tùng thông qua các biện pháp cấm vận” – bộ phim tài liệu không tên của KCNA cáo buộc.
Được biết, trong tuyên bố chung với Tổng thống Moon Jae-un tại thượng đỉnh Bình Nhưỡng diễn ra vào hồi tháng 9 vừa rồi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ sự sẵn sàng “tháo dỡ vĩnh viên” tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Theo KCNA, Yongbyon là “một cột trụ chính trong chương trình hạt nhân” của Triều Tiên. Để đối lại việc này, ông Kim kỳ vọng Tổng thống Trump có những động thái tương đương, bao gồm cả việc tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Theo Reuters, việc dỡ bỏ tổ hợp Yongbyon sẽ làm chậm đáng kể quá trình sản xuất nhiên liệu phân hạch. Tuy nhiên, dù không có Yongbyon, trữ lượng plutonium và uranim làm giàu cao vẫn được giữ nguyên. Hơn thế nữa, với Washington, dỡ bỏ Yongbyon sẽ là không đủ để xóa đi nghi ngờ về các cơ sở hạt nhân bí mật khác của Bình Nhưỡng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.